CEO Soya Garden: "Chúng tôi đang điều chỉnh mô hình, không đóng cửa toàn bộ cửa hàng như tin đồn"

Trần Anh

(Doanhnhan.vn) - "Giống như các chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nếu xét thêm khía cạnh là người mới, hầu hết cửa hàng lại ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác", CEO của Soya Garden Hoàng Anh Tuấn cho hay.

Từng sở hữu khoảng 50 cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM chỉ sau vài năm phát triển thần tốc, nhưng mới đây, Soya Garden đã đóng cửa tới 28 cửa hàng. Quá trình sang nhượng mặt bằng này diễn biến rầm rộ sau giai đoạn đại dịch Covid-19, dấy lên tin đồn Soya Garden đóng cửa thương hiệu.

Chia sẻ về động thái bất ngờ này, CEO Hoàng Anh Tuấn cho biết giống như tất cả các chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. "Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác".

Thừa nhận việc đóng ½ số quán không thể xem là tốt, vị này cho rằng làm kinh doanh, “mở dễ đóng khó”. "Khi đóng nhiều quán cần sự quyết đoán từ chủ doanh nghiệp, phải bỏ qua tính sĩ diện ‘mặt mũi’” mà nhiều người mới vào kinh doanh hay mắc phải", ông Tuấn cho hay.

CEO Soya Garden:
CEO Hoàng Anh Tuấn: "Chúng tôi đóng bớt để điều chỉnh mô hình, chứ không phải toàn bộ như lời đồn"

Nếu xét trên góc độ quản trị, CEO Soya Garden nhận định việc đóng cửa hàng chỉ nên được xem như hành động tái cơ cấu doanh nghiệp, bỏ bớt đi cửa hàng kinh doanh thiếu hiệu quả và giữ lại các cửa hàng có doanh thu tốt, vị trí đẹp; đồng thời chuẩn bị ra mắt một concept cửa hàng khác, nhỏ hơn đồng nghĩa với ít tốn chi phí mặt bằng – nhân công hơn.

Từ giữa năm 2019, Soya Garden đã phát triển ứng dụng gọi đồ uống và đưa vào sử dụng cuối năm đó. Bên cạnh đó, thương hiệu này cũng đã bổ sung các món mới vào menu. Từ nay đến cuối năm 2020, Soya Garden sẽ chính ra mắt mô hình ki-ốt và cửa hàng nhỏ, phát triển song song với việc giữ lại các mô hình có mặt bằng lớn nhưng kinh donah hiệu quả.

"Mô hình bán hàng qua các quán nhỏ và take-away đã thành công tại Hà Nội, nên tôi tin là nó sẽ tiếp tục thành công ở TP. HCM và các địa phương khác. Không chỉ Soya Garden, nhiều chuỗi F&B lớn khác vẫn sống tốt xuyên suốt mùa dịch chính nhờ vào nhu cầu mua hàng qua giao nhận (delivery) và mang đi (take-away) tăng cao. Riêng Soya Garden, doanh thu từ việc bán hàng qua kênh này đã tăng vọt".

Lĩnh vực thực phẩm đồ uống có nhiều cơ hội nhưng rất nhiều thách thức, thay đổi liên tục. Trước Soya Garden, thị trường đã chứng kiến một loạt chuỗi cà phê đình đám một thời như The KAfe, Saigon Café, Urban Station, Gloria Jean’s phải đóng cửa hoặc thu hẹp. Ngay cả các ông lớn như Highland Coffee, Starbuck… cũng phải dịch chuyển mô hình theo xu thế mới, áp dụng công nghệ để tăng trải nghiệm cho khách hàng.

“Không chỉ có khó khăn từ dịch bệnh, trước sức ép của thị trường, doanh chủ phải thay đổi tư duy sản xuất – kinh doanh, nhất là những người điều hành chuỗi F&B như tôi. Để tồn tại, chúng tôi cần ưu tiên tính hiệu quả và bảo tồn giá trị cốt lõi vì lợi ích cao nhất của khách hàng cũng như lợi ích lâu dài của nhà đầu tư. Sắp tới, tôi đoán sẽ có không ít chuỗi khác quyết định đóng bớt cửa hàng và tập trung đẩy mạnh bán online”, CEO Soya Garden khẳng định.

Tin Cùng Chuyên Mục