CEO WeFit lý giải nguyên nhân start - up thất bại: Thiếu vốn cũng chết, thừa vốn cũng chưa chắc tồn tại được

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Check xem lý do thất bại của các start-up qua lý giải của CEO WeFit Nguyễn Khôi.

Có một số liệu thống kê cho thấy một "bức tranh buồn" về thực trạng phát triển của các start - up: Mặc cho ý tưởng hay và đột phá tới mức nào, có 80% startup Việt Nam thất bại ngay trong năm đầu tiên và con số đó lên tới 92% trong 3 năm tiếp theo.

Với góc nhìn của một nhà sáng lập từng lọt vào "bảng vàng" Forbes vinh danh 30 nhân vật tiêu biểu dưới 30 tuổi trong lĩnh vực kinh doanh, CEO Nguyễn Khôi (Wefit) đã chia sẻ quan điểm cá nhân về bài học cho startup từ kinh nghiệm của mình.

Không giải được bài toán nguồn vốn

Trước hết, anh khẳng định nguồn vốn là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bài toán lấy vốn ở đâu thì không phải start - up nào cũng đưa ra được lời giải.

Trong những năm đầu tiên, đa phần các startup đều gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính. Nguyên nhân có thể là do không kêu gọi được vốn hoặc sản phẩm mà họ tạo ra không ra mắt được thị trường và không đem lại doanh thu.

CEO WeFit lý giải nguyên nhân start - up thất bại: Thiếu vốn cũng chết, thừa vốn cũng chưa chắc tồn tại được - Ảnh 1

Anh Nguyễn Khôi chia sẻ: "Tôi đã từng làm khoảng 5 đến 6 dự án về công nghệ, hiện tại chỉ có WeFit là còn phát triển trong 3 năm nay. Những dự án thất bại trước đó đều thất bại nhanh chóng và những thất bại đó đều liên quan đến tài chính.

Có một ứng dụng chúng tôi chỉ tạo ra trong vòng 3 tháng nhưng sau đó tôi phát hiện ra chỉ có bốn người dùng. Đó là tôi, một cộng sự và bố mẹ tôi. Vì không có người dùng nên đã không tạo nên lợi nhuận trong khi chúng tôi đã tiêu hết số tiền tiết kiệm trong 3 tháng đầu tiên".

Một thực trạng xảy ra đối với các startup dẫn đến việc không bán được sản phẩm và không đem lại doanh thu đó chính là họ quá yêu ý tưởng và sản phẩm của mình. Vì thế họ đã không đủ minh mẫn để thử nghiệm và biết chính xác nhu cầu của người dùng đối với sản phẩm đó.

Thiếu kỹ năng quản trị kinh doanh

Đồng thời, anh cũng chỉ ra hiện tượng "ảo tượng" trong việc định giá doanh nghiệp. Các nhà sáng lập thường không biết họ đang ở đâu, cần gì để phát triển ý tưởng thành sản phẩm.

CEO WeFit cho rằng: "Trong quản trị doanh nghiệp thì quản trị tài chính là một trong những thứ quan trọng nhất. Vì tiền là máu và một khi hết máu rồi thì khó có thể tồn tại được".

CEO WeFit lý giải nguyên nhân start - up thất bại: Thiếu vốn cũng chết, thừa vốn cũng chưa chắc tồn tại được - Ảnh 2

 

Cho nên khi bắt đầu vận hành một doanh nghiệp các startup thường không lường trước được những khoản cần chi tiêu, đặc biệt là đối với những khoản chi phí không liên quan đến sản phẩm như thuê văn phòng, điện nước và một vài phụ phí liên quan.

Anh Khôi Nguyễn cũng cho biết: "Rất ít các founder ở Việt Nam biết được ở giai đoạn nào thì nên cần bao nhiêu tiền, cho việc gì? Tôi đã gặp rất nhiều người ngay khi bắt đầu có ý tưởng đã định giá công ty lên đến vài triệu USD và gọi vốn 1 triệu USD. Nhưng thường không có nhà đầu tư nào ở Đông Nam Á có thể rót khoản tiền như vậy cho họ".

Trong khi kỹ năng về tài chính là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để dự án, doanh nghiệp có thể tồn tại thì nhiều startup lại thiếu kỹ năng về mảng này. Đây là một lỗ hổng cực kỳ lớn dẫn đến tình trạng nhiều startup chết yểu.

Start-up thừa tiền cũng chưa chắc tồn tại được

Kể cả khi startup gọi vốn thành công, cầm tiền trong tay thì câu chuyện "sinh tồn" vẫn chưa kết thúc. Nếu không tỉnh táo và có bước đi hợp lý, rất có thể doanh nghiệp sẽ rơi vào cuộc đua đốt tiền mà chẳng nhận lại được điều gì

CEO WeFit chia sẻ: "Tháng 3 năm 2017, chúng tôi cũng đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, chúng tôi mới kêu gọi được vốn và đã chi rất nhiều tiền cho marketing. Chúng tôi nghĩ rằng, khi bỏ 1 đồng thì sẽ thu về 10 đồng, nhưng thực tế chỉ thu về 3 đồng.

Từ sự việc này, anh Nguyễn Khôi cũng nhận ra rằng, việc gọi vốn thành công mới chỉ là bước đầu trong xây dựng startup, quan trọng là số tiền mà bạn gọi được sẽ được tiêu vào những việc gì và cần có những dự toán trong tương lai".

Tin Cùng Chuyên Mục