Chỉ cần bán C2 và Rồng Đỏ, ông lớn thực phẩm Philippines URC vẫn thu nghìn tỷ ở Việt Nam

Quỳnh Chi

Chỉ trong năm 2019, hai công ty của URC ở Việt Nam đã thu về 7.000 tỷ đồng ở thị trường Việt Nam.

Nhà máy URC Việt Nam ở thị xã Thuận An, Bình Dương
Nhà máy URC Việt Nam ở thị xã Thuận An, Bình Dương

Nhắc đến ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), đồ uống đóng chai là một phân khúc không thể bỏ qua. Nhóm sản phẩm này gắn liền với tên tuổi của hàng loạt “đại gia” tại thị trường như Coca-Cola, Pepsi, Red Bull, Masan hay Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, một đối thủ cũng được coi là xứng tầm nhưng ít người quan tâm hơn là Universal Robina Corporation (URC) – một trong những công ty thực phẩm lớn nhất tại Philippines.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, hệ thống của URC nằm ở 2 công ty chính là Công ty TNHH URC Việt Nam (URC Việt Nam) và Công ty TNHH URC Hà Nội (URC Hà Nội). Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay tại URC Việt Nam và URC Hà Nội là ông Laurent Levan, sinh năm 1967, quốc tịch Pháp.

Hệ thống này hiện sở hữu 5 nhà máy sản xuất trải dài ở các tỉnh Bình Dương, Quảng Ngãi và Hà Nội, với 2 sản phẩm đồ uống đóng chai chủ lực là trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ. Ngoài ra, công ty này còn đang cung cấp một sản phẩm snack có tên Chikki.

Con đường của URC có vẻ trái ngược với hai đối thủ chính là Suntory PepsiCo và Coca-Cola, những kẻ chỉ tập trung chiếm lĩnh thị phần đồ uống với hàng chụcloại sản phẩm đồ uống từ trà, nước tăng lực, nước khoáng đến cả đồ uống có gas. Còn Tân Hiệp Phát, ngoài kinh doanh nước giải khát, tập đoàn này còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên doanh thu chủ yếu vẫn đến từ một nhà máy sản xuất đồ uống tại Bình Dương.

Chỉ cần bán C2 và Rồng Đỏ, ông lớn thực phẩm Philippines URC vẫn thu nghìn tỷ ở Việt Nam - Ảnh 1

Trong 4 năm trở lại đây, doanh thu và lợi nhuận của URC Việt Nam và URC Hà Nội tăng trưởng rất nhanh. Với URC Việt Nam, năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đạt 6.333 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với năm 2016 (1.050 tỷ đồng). Lợi nhuận thuần cũng tăng phi mã (hơn 32 lần) từ 20,3 tỷ đồng năm 2016 lên mức 659,3 tỷ đồng năm 2019.

Kết quả tương tự với URC Hà Nội trong năm 2019, khi doanh thu thuần đạt 745 tỷ đồng, cao gấp hơn 8 lần so với năm 2016. Lợi nhuận thuần ở mức 111,6 tỷ đồng, trong khi năm 2016 lỗ gần 25 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của URC Việt Nam đạt 4.447 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 3.492 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,7% và 23% so với thời điểm đầu năm; tổng tài sản của URC Hà Nội đạt 1.105 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.028 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,2% và 12%.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vào tháng 5/2016, 2 sản phẩm đồ uống đóng chai của URC là Trà xanh C2 và Nước tăng lực Rồng đỏ từng dính phải “scandal” khi có hàm lượng chì cao vượt ngưỡng cho phép, khiến người tiêu dùng phẫn nộ và lo lắng.

Ngay sau đó, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5,8 tỷ đồng với URC Hà Nội, đồng thời thu hồi và tiêu hủy hơn 10 tấn hàng sản phẩm nước giải khát C2, Rồng Đỏ.

Tin Cùng Chuyên Mục