Chi phí đắt đỏ cho những chuyến bay giải cứu

Theo Kinh tế Sài Gòn

Hơn 20.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nhiều quốc gia đã được Chính phủ thông qua các hãng hàng không trong nước giải cứu về nước để tránh đại dịch Covid-19 suốt từ đầu tháng 4 đến nay. Vì không phải là những chuyến bay thương mại trong điều kiện bình thường nên chi phí của doanh nghiệp và công sức của đội ngũ vận hành những chuyến bay giải cứu là cực kỳ lớn.

Công bố mới nhất của Vietnam Airlines trên trang web chính thức của doanh nghiệp cho biết, có những chuyến bay chi phí giải cứu lên đến trên 10 tỷ đồng.

Con số này chưa được các hãng như Vietjet Air hay Bamboo Airways công bố. Tuy nhiên, bất kỳ hãng nào thực hiện các chuyến bay giải cứu thì chi phí phát sinh đều “đội” lên rất nhiều lần, qua rất nhiều khâu phức tạp và khó khăn.

Tính đến thời điểm này, hơn 2/3 số chuyến bay giải cứu của Chính phủ do Vietnam Airlines thực hiện. Nhiều chuyến bay đến các quốc gia chưa có đường bay thương mại chính thức như Vietnam Airlines bay đến Mỹ, hay Bamboo Airways mới đây bay đến Úc.

Các công dân Việt Nam trở về nước trên chuyến bay được giải cứu.
Các công dân Việt Nam trở về nước trên chuyến bay được giải cứu.

“Huy động mọi nguồn lực và tính toán các phương án an toàn nhất để đảm bảo sức khỏe và thành công cho các chuyến bay, giải quyết những tình huống bất thường là điều thường trực trong các chuyến bay giải cứu kéo dài”, Vietnam Airlines cho biết.

Các chi phí đó dành cho: lắp đặt thêm nhiều thiết bị y tế hỗ trợ bệnh nhân như máy lọc không khí, máy thở, máy khí dung, giường bệnh dã chiến, buồng áp lực dương (để giảm thiếu nguy cơ phát tán virus).

Đặc biệt có chuyến bay như từ Guine Xích đạo với hơn 200 bệnh nhân nhiễm Covid 19. Hay bọc kín nylon toàn bộ ghế ngồi và đặt sẵn khăn ướt tẩm cồn cùng các vật dụng cá nhân cần thiết trên các chuyến bay chở người nhiễm virus từ Vũ Hán (Trung Quốc)...

Hãng cũng phải thuê luật sư và đối tác tư vấn, làm dịch vụ xin cấp phép bay để kịp thời gian giải tỏa hành khách và tuân theo quy định của nước sở tại như Mỹ và Canada.

Có chuyến riêng chi phí này lên tới gần 700 triệu đồng. Hoặc chi trả mức phí phục vụ mặt đất, nạp nhiên liệu...ở mức gấp nhiều lần thông thường. Ví như một chuyến bay từ Mỹ về, hãng đã chi trả hơn 1,4 tỷ cho phục vụ mặt đất, gần 2,2 tỷ tiền nhiên liệu và nhiều chi phí khác.

Điều đáng nhắc đến là toàn bộ chiều đi của các chuyến bay giải cứu là máy bay trống do không khai thác thương mại, tức là chỉ thu được tiền vé một chiều, làm phát sinh thua lỗ và giảm doanh thu mức cao.

Tất cả cả khoang thương gia đều không chở khách, mất thêm một nguồn thu lớn trong khi chi phí nhân lực (phi hành đoàn tăng gấp 2-3 lần). Nhân lực sau đó trở về phải cách ly 14 ngày. Một số tàu sau khi về phải ngừng hoạt động 2-3 ngày để khử trùng, bảo dưỡng.. làm gia tăng chi phí.

Các hãng hàng không Việt Nam thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân trong điều kiện kinh doanh thua lỗ nặng nề, cắt giảm tối đa các chi phí hoạt động để giảm lỗ. Đến nay chưa được Chính phủ có chính sách “giải cứu” riêng nào, dù các hãng đều gửi các kiến nghị khác nhau.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục