Chia sẻ của CEO startup suýt bị công việc ám sát: "Trên đời cái gì cũng giải quyết được nhưng chết thì không, hôm nay bạn ổn chứ?"

Dạ Hành (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Bài viết về làm việc quá sức của Jason Nguyen, CEO một startup ở TPHCM, đang nhận được sự đồng cảm của dân mạng. "Vị trí tốt, lương cao, công ty lớn là những cái bẫy ngọt ngào, làm mình quên mất sự xáo trộn về mọi mặt như sức khỏe giảm sút..." - một đoạn viết.

"Làm việc để có tiền, nhưng tiền nhiều rồi ngã quỵ thì để làm gì?" - Jason Nguyen mở đầu bài viết của mình trên Facebook và nhận về gần 3.000 lượt thích. Quả thật, chuyện đi làm, lý tưởng trong công việc, vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống... luôn khiến bất kỳ người trẻ nào cũng băn khoăn. Nhất là trong thời gian qua, một nhân viên dựng phim ở TP.HCM đột tử vì làm việc quá sức đã gây bàng hoàng trong giới agency, cộng đồng sáng tạo hay rộng hơn là với những ai đang chiến đấu hết mình với công việc thời điểm cuối năm tất bật.

Nếu bạn cũng đang mải miết chạy đua và cảm thấy dần hụt hơi trong công việc, hãy dừng lại một chút đọc bài viết dưới đây, rồi suy ngẫm thêm về cách làm việc "bào sức, bán máu" của mình nhé.

Chia sẻ của CEO startup suýt bị công việc ám sát:

 Jason Nguyen (Ảnh: FBNV)

Cả tuần qua mọi người nói nhiều tới chuyện người trẻ làm việc quá sức, có cả những cái chết không mong muốn như lời cảnh tỉnh đến những ai đã và đang thách thức giới hạn bản thân. Là một người từng cắm đầu làm việc và đùa giỡn với sức khỏe nên hơn ai hết, mình hiểu rất rõ cái giá mà mỗi người có thể phải trả. Sau nhiều ngày quan sát và suy nghĩ, mình quyết định chia sẻ những trải nghiệm & góc nhìn cá nhân. Hi vọng sẽ giúp ích cho những bạn trẻ đang ngày ngày vật lộn với con quỷ mang tên “công việc quá sức".

Chia sẻ của CEO startup suýt bị công việc ám sát:

Mình từng làm cho một công ty đa quốc gia khi mới trở về Việt Nam. Vì là tập đoàn với nhiều nhãn hàng nên khối lượng công việc mà phòng marketing phải gánh là cực kì lớn. Một ngày làm việc của mình luôn bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc vào 12h đêm. Công ty trở thành nhà, ăn uống ngủ nghỉ giải trí đều diễn ra trong văn phòng. Thậm chí có những thời điểm chạy dự án cả tuần liền mình không biết ánh sáng mặt trời hay hoàng hôn trông như thế nào.

Vị trí tốt, lương cao, công ty lớn là những cái bẫy ngọt ngào, làm mình quên mất sự xáo trộn về mọi mặt như sức khỏe giảm sút, mối quan hệ với bạn bè - người thân dần xấu đi, tính cách cộc cằn, khó đoán hơn xưa. Tụi mình có tất cả: tiền bạc, địa vị, sự trọng vọng nhưng lại thiếu một cuộc sống giống-người-bình-thường. Bạn có nhớ hình ảnh của mấy con zombie thều thào, lê lết không có chút sức sống nào không? Đó chính là phòng mình lúc đó.

Chia sẻ của CEO startup suýt bị công việc ám sát:

 Ảnh minh họa

Tay vẫn gõ, miệng vẫn lẩm bẩm - nhưng sinh lực là con số 0, chẳng ai nói cười với ai. Vì toàn bộ thời gian đã dành cho công việc nên cuộc sống cá nhân của tụi mình là một mớ hỗn độn. Các chị có gia đình nếu không li dị thì cũng li thân vì chồng con không chịu được cảnh cả tháng chẳng được gặp vợ, gặp mẹ. Các anh trai độc thân thì mất luôn khả năng hẹn hò vì ngoài số má, giấy tờ, hợp đồng thì có biết gì đâu? Quăng ra đường là lơ ngơ như trẻ con 4-5 tuổi. Mình quyết định thoát khỏi guồng quay này trước khi quá muộn.

Chia sẻ của CEO startup suýt bị công việc ám sát:

 

Ai làm start-up đều hiểu giai đoạn đầu khó khăn như thế nào, giống như bạn mới có em bé và lúc nào cũng phải quẩn quanh lo từng tí cho nó. Những ngày đầu vừa thành lập công ty, mình vắt kiệt sức lực vì lao vào kinh doanh, tập trung cày ngày cày đêm đến mức hi sinh cả giấc ngủ.

Áp lực ngoại hình khi vừa chia tay người yêu nên mình còn gồng sức đi tập gym một cách thiếu khoa học. Hậu quả là stress, mất ngủ, rụng tóc và đỉnh điểm là trong một lần về quê thăm mẹ, mình bị “xuất huyết sấm sét", máu chảy từ miệng nhiều đến mức ngộp thở và không cách nào cầm được. Khi đi khám, bệnh viện bảo mình bị nám hết một bên phổi và có triệu chứng của bệnh lao. Trong một tuần nằm ở BV Phạm Ngọc Thạch, mình mất 10kg. Càng sợ hãi hơn khi phòng mình có 10 giường bệnh thì 1/3 số đó là không qua khỏi. Lần đầu tiên mình cảm thấy khao khát được làm những thứ rất đỗi bình thường như chạy xe đạp, đi bộ, đi ăn hàng, cười nói vui vẻ… Những ước mơ nhà lầu, xe hơi hay trở nên giàu có, thành công đều không còn quan trọng lúc đó.

Chia sẻ của CEO startup suýt bị công việc ám sát:

Ảnh minh họa

Bệnh viện từ chối vì không cứu nổi. Mình hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng gia đình thì không. Ngay cả khi chỉ còn 0,001% hi vọng, ba vẫn chở mình đi khắp Sài Gòn trên chiếc xe máy lọc cọc, tìm bác sĩ tốt khắp hang cùng ngõ hẻm. May sao gặp được một giáo sư nghiên cứu về phổi và cho mình uống thuốc suốt 9 tháng trời. Từ một đứa không thể cứu chữa, lá phổi của mình hồi phục không còn một vết sẹo.

Dù thoát khỏi thần chết nhưng vì phải dưỡng bệnh trong nhiều tháng trời nên mình mất tất cả: bất động sản đóng băng, công ty mới thành lập thua lỗ và nợ hơn 1 tỷ đồng, người yêu thì bỏ sang Mỹ với người mới. Phải rất lâu sau mình mới có thể lên Sài Gòn để làm lại từ đầu và trả hết số nợ trên.

Mình nói ra những điều này không phải để kể khổ, mà vì muốn các bạn trẻ cảm thấy đồng cảm, không chỉ bạn mà ngay cả mình cũng từng phải trả giá cho hành động đánh cược mạng sống để chạy theo công việc. Mình đã may mắn vượt qua và kịp thức tỉnh, nhưng rất nhiều người đã không thể làm được điều tương tự.

Với mình công việc cũng như một quãng chạy, mình thích là một VĐV chạy bền, kiên trì và ngày một tiến xa hơn so với việc trở thành một người chạy đến đứt cả hơi nhưng chỉ được một quãng ngắn. Công việc có tốt đến mấy, có giúp bạn kiếm nhiều tiền nhiều đến bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại những tổn thất về sức khoẻ, tinh thần hay tình cảm và sự gắn bó với những người xung quanh.

Chia sẻ của CEO startup suýt bị công việc ám sát:

  Jason Nguyen (Ảnh: FBNV)

Giữa cái thời đại mà ai cũng muốn chứng tỏ năng lực, cũng muốn có một thứ gì đó để người khác nhớ đến thì mỗi cá nhân lại càng phải hi sinh gấp 2, gấp 3. Thành tựu công việc tỉ lệ nghịch với tình trạng sức khoẻ - đây là bi kịch của nhiều người trẻ hiện đại. Job rất nhiều nhưng cả tháng trời không được nói chuyện với bố mẹ. Có tiền để sắm đủ thứ hàng hiệu nhưng nuốt một dĩa cơm cũng nơm nớp lo sợ. Đi du lịch toàn những nơi sang xịn nhưng thời gian nghỉ ngơi chỉ tính bằng phút. Mua được một cái giường thật to nhưng chưa từng có một giấc ngủ đủ 8 tiếng.

Bạn và mình đều được khuyên rằng hãy lao động nghiêm túc, cố gắng hết sức vì tuổi trẻ không chờ đợi. Nhưng chẳng ai nói rằng hãy nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi, hãy quan tâm đến sức khoẻ và lắng nghe bản thân. Mỗi một cái nhói nhẹ, vài phút choáng váng hay cơn đau lưng chớp nhoáng - đó đều là những dấu hiệu từ bên trong cho thấy bạn đang không ổn. Bây giờ bạn có thể tự nhủ “không sao đâu" nhưng có chắc ngày mai, tuần tới, tháng sau hoặc một năm nữa bạn vẫn tự tin với câu trả lời đó?

Trên đời này cái gì cũng có thể giải quyết được, nhưng chết thì không. Hôm nay bạn ổn chứ?

Tin Cùng Chuyên Mục