Chiếm ưu thế về thiết bị vận hành cảng, Phần Lan muốn hợp tác phát triển các ứng dụng công nghệ logistics tại Việt Nam

Quỳnh Chi

Mới đây tại cảng container quốc tế SP-ITC (TP. Thủ Đức, TPHCM), Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) đã làm việc với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam để trao đổi về cơ hội hợp tác giữa ITC với các đối tác Phần Lan trong lĩnh vực logistics nói chung và lĩnh vực trang thiết bị vận hành cảng nói riêng.

ITC là nhà khai thác cảng container quốc tế SP-ITC, cảng container tư nhân quốc tế đầu tiên tại khu vực TPHCM, cảng nằm trên sông Đồng Nai và có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 45.000 DWT.

Cảng SP-ITC nhìn từ trên cao. Ảnh: SP-ITC.
Cảng SP-ITC nhìn từ trên cao. Ảnh: SP-ITC.

Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 nhưng với chiến lược tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời liên tục ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động khai thác, SP-ITC đã trở thành một trong những bến cảng quan trọng của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Đại diện ITC cho biết, từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 9/2016 đến nay, cảng SP-ITC trở thành cửa ngõ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu quan trọng tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang liên minh châu Âu cũng như sang Phần Lan đã có những bước tăng trưởng ấn tượng, trong đó có hàng dệt may, hàng nội thất, giày dép, cà phê….

Đồng thời, lượng hàng Việt Nam nhập khẩu từ Phần Lan cũng tăng trưởng với các mặt hàng như gỗ, giấy.. và cảng SP-ITC là một trong những điểm đến hàng đầu để doanh nghiệp giao nhận hàng hóa.

Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp Phần Lan xem Việt Nam là một cửa ngõ lý tưởng để tiến vào thị trường ASEAN cũng như thị trường Nam Trung Quốc, việc cảng SP-ITC, hoạt động hiệu quả trong thời gian qua là một cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp Phần Lan tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Ông cũng kỳ vọng Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu nói chung và Phần Lan nói riêng.

Hợp tác Phần Lan - Việt Nam trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ logistics. Ảnh: SP-ITC.
Hợp tác Phần Lan - Việt Nam trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ logistics. Ảnh: SP-ITC.

Bên cạnh đó, các Tham tán từ Đại sứ quán Phần Lan cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình cước vận tải biển gia tăng từ những tháng cuối năm 2020, đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa bị thiếu container rỗng. Đại diện cảng SP-ITC cho biết, cảng cũng nhận biết rõ về khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và trong thời gian qua, cảng đã tăng cường tiếp nhận các tàu chở container rỗng, sắp xếp khu vực bãi riêng trong cảng để sửa chữa, vệ sinh container rỗng nhanh chóng, qua đó cấp container rỗng tiêu chuẩn cho khách hàng xuất khẩu trong thời gian ngắn nhất.

Ông Kari Kahiluoto đặc biệt nhấn mạnh đến cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ và các doanh nghiệp sản xuất thiết bị vận hành cảng của Phần Lan với ITC. Ông cho rằng với thế mạnh công nghệ của Phần Lan cùng với định hướng liên tục ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất của ITC và SP-ITC, đôi bên có thể trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các ứng dụng công nghệ vào khai thác cảng và logistics, hướng đến mục đích mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Đánh giá cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Phần Lan cũng như ý tưởng của Đại sứ quán Phần Lan, lãnh đạo ITC cho biết trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục phát triển các dự án cảng nước sâu trên phạm vi cả nước và chắc chắn hai bên có nhiều cơ hội để hợp tác về ứng dụng công nghệ trong các dự án của ITC.

Phần Lan và Việt Nam đã có hơn 40 năm hợp tác hữu nghị thành công kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Công trình hợp tác đầu tiên giữa hai nước là xây dựng nhà máy đóng tàu Phà Rừng tại TP. Hải Phòng vào năm 1979. Đến nay, nhiều thiết bị chính từ Phần Lan được lắp đặt từ khi xây dựng hiện vẫn đang vận hành ổn định.

Tin Cùng Chuyên Mục