Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 9) Luật sư: “Thành Thuận có quyền khởi kiện tỉnh Đồng Nai”

Nhóm PV

Nhiều năm nay cụ Lê Thị Phương Mai (chủ DNTN Thuận An 2, sau là Công ty TNHH Thành Thuận, ngụ tại 325, khu 3, ấp 2, xã An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) liên tục khiếu nại doanh nghiệp của cụ bị địa phương o ép, thu hồi cưỡng chế trái luật hàng chục ha đất cùng tài sản, dẫn đến trắng tay.

Hơn 40 năm trước, sau khi khai phá và nhận chuyển nhượng, cụ có hàng chục ha đất ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hoà. Cùng với vốn góp của nhiều thân nhân nước ngoài, cụ lập DNTN Thuận An 2 xin làm khu du lịch sinh thái, phải xây 11km đường, bắc cây cầu Thuận An 2 theo đề nghị của địa phương. Đồng Nai ban đầu ra chủ trương chấp thuận, sau đó thay đổi không đồng ý vì toàn bộ diện tích rơi vào quy hoạch mỏ đá.

Để phù hợp quy hoạch và có thể thu hồi vốn, thực hiện các quyền của người sử dụng đất, Thuận An 2 xin cấp phép khai thác đá. Theo hướng dẫn của tỉnh, cụ Mai lập Công ty TNHH Thành Thuận để có tư cách pháp nhân xin khai thác đá, khoan thăm dò, lập hồ sơ.

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 9) Luật sư: “Thành Thuận có quyền khởi kiện tỉnh Đồng Nai” - Ảnh 1
Con trai cụ Mai tố hiện diện tích đất gia đình còn lại liên tục bị một số đối tượng gây khó dễ hòng “thôn tính”

Tuy nhiên, khi hồ sơ xin cấp phép khai thác đá hoàn chỉnh, nộp lên tỉnh thì bị bác bỏ, lý do như Văn bản 9496/UBND-CNN của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 18/11/2009 nêu chủ trương của Đồng Nai: “Chỉ giải quyết cho các doanh nghiệp nhà nước phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn và khu vực”.

Thế nhưng bất thường ở chỗ sau đó Đồng Nai cưỡng chế thu hồi đất của Thành Thuận, giao một doanh nghiệp tư nhân khác là Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop)… khai thác đá, chưa nói đến việc Thành Thuận chưa nhận một đồng bồi thường, tài sản trong cuộc cưỡng chế bị mất sạch.

Sau khi trắng tay, nhiều năm qua Thành Thuận liên tục khiếu nại, tố cáo sự việc.  Theo cụ Mai, sự việc không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp mình, mà còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh. Trong số tiền Thành Thuận đầu tư và đã mất, còn có tiền của các thân nhân là Việt kiều hùn vốn đóng góp. Vì vậy, cụ Mai cho rằng sự việc còn ảnh hưởng tới niềm tin của một số người muốn đầu tư về nước.

Luật sư: “Chỉ Thủ tướng mới có quyền hạn chế”

Trước tiên, chủ trương của Đồng Nai nêu trong Văn bản 9496/UBND-CNN có trái luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các thành phần kinh tế hay không?

Trả lời câu hỏi trên, Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP HCM, Hãng luật Giải Phóng) cho biết: “Theo Điều 6 Luật Khoáng sản 1996 sửa đổi bổ sung năm 2005, Điều  15 Nghị định 76/2000/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản gồm: Tổ chức kinh tế Việt Nam được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác mà mục đích thành lập có nội dung hoạt động khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận; cá nhân Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 9) Luật sư: “Thành Thuận có quyền khởi kiện tỉnh Đồng Nai” - Ảnh 2

Luật sư Nam: “Sự việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, trong đó có quyền tự do, bình đẳng kinh doanh giữa các cá nhân, tổ chức với nhau”

Như vậy, mọi loại hình tổ chức kinh tế bình đẳng nhau trong hoạt động khai thác khoáng sản, trừ trường hợp khu vực khai thác khoáng sản thuộc khu vực Nhà nước có chủ trương hạn chế hoạt động khoáng sản bằng hình thức dành riêng cho một hoặc một số tổ chức nhất định của Nhà nước độc quyền hoạt động khoáng sản (khoản 1 Điều 20 Nghị định 76/2000/NĐ-CP). Khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Xin lưu ý chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có quyền phê duyệt hoặc đưa ra quy định về một số khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản. UBND tỉnh Đồng Nai không được phép ra chủ trương này. Nếu Đồng Nai muốn hạn chế hoạt động khoáng sản ở khu vực nào thì phải làm tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phải được phê duyệt thì mới được ra “chủ trương” như nêu trong Văn bản 9496/UBND-CNN”.

Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đình Thuận (Đoàn Luật sư TP HCM, Công ty Luật An Thuận Phát), cho biết: “Theo Luật Khoáng sản 1996, cá nhân, tổ chức được phép hoạt động khoáng sản (Điều 6) nếu tuân thủ và thực hiện đầy đủ các bước khảo sát (Điều 22), thăm dò (Điều 26) và được cấp phép khai thác (Điều 32). Việc khai thác mỏ đá thuộc loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 41)”.

Luật sư Thuận nói: “Chủ trương của địa phương không thể thay thế luật nếu chưa được cụ thể hoá. Chủ trương địa phương chỉ là bước ban đầu để hoàn thiện các chính sách tiếp theo. Nếu dựa vào chủ trương chung chung như vậy mà cản trở các quyền của cá nhân, tổ chức thì sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, làm trì trệ việc phát triển kinh doanh xây dựng đất nước, làm thối chí những nhà đầu tư tâm huyết”.

Dấu hiệu phân biệt đối xử, o ép, trù dập

Như trên đã nói, sau khi từ chối cấp phép cho Thành Thuận khai thác đá với lý do “chỉ giải quyết cho các doanh nghiệp nhà nước”, Đồng Nai lại cưỡng chế thu hồi đất của Thành Thuận giao một doanh nghiệp tư nhân khác là Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop), khai thác đá. Nhận xét sự việc này, Luật sư Thuận nói: “Đó là hành động “tiền hậu bất nhất” và gây ra thiệt hại, bất công”.

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 9) Luật sư: “Thành Thuận có quyền khởi kiện tỉnh Đồng Nai” - Ảnh 3

Luật sư Thuận: “Rõ ràng ở đây có dấu hiệu của sự phân biệt đối xử, dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cơ quan chức năng địa phương”.

Luật sư Thuận nói: “Nếu đã không cho Thành Thuận thực hiện nhưng vẫn cho Dona Coop khai thác đá là “tiền hậu bất nhất” và gây ra thiệt hại, bất công với Thành Thuận. Vì chiếu theo luật, Thành Thuận vẫn được phép khai thác đá nếu không có chủ trương hạn chế. Và xin nhắc lại chủ trương hạn chế phải có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Xin được nói lại cho rõ hơn: Tại sao trước đây Thành Thuận xin khai thác thì bị ngăn cản với lý do không phải doanh nghiệp nhà nước, nay thì lại giao cho Dona Coop, dù Dona Coop cũng không phải doanh nghiệp nhà nước? Như vậy có quyền nhận định như sau:

- Trước đây Thành Thuận có đủ điều kiện nhưng không cho, thế thì có sự phân biệt đối xử, o ép, trù dập.

- Để hợp lý hợp cả tình, phải cấp phép cho Thành Thuận đầu tư trên đất của mình. Khi nào Thành Thuận từ chối thì mới được giao doanh nghiệp khác. Thành Thuận đã tiến hành các thủ tục, đã đầu tư máy móc, thiết bị, đặc biệt là đối tượng đang trực tiếp sử dụng đất, vậy mà vẫn cưỡng chế đất giao doanh nghiệp khác khai thác. Rõ ràng ở đây có dấu hiệu của sự phân biệt đối xử, dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cơ quan chức năng địa phương”.

Cũng với quan điểm như trên, Luật sư Nam đánh giá về sự việc: “Việc UBND tỉnh Đồng Nai từ chối Thành Thuận, sau đó cưỡng chế đất của Thành Thuận giao Dona Coop  hoạt động khai thác khoáng sản là không phù hợp quy định pháp luật, quy định của Chính phủ. Sự việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Thành Thuận, trong đó có quyền tự do, bình đẳng kinh doanh giữa các cá nhân, tổ chức với nhau. Việc này có thể gây mất uy tín, niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước địa phương”.

Thành Thuận có được khởi kiện hay không? UBND tỉnh Đồng Nai phải bồi thường ra sao? Theo Luật sư Nam: “Nếu Thành Thuận đáp ứng đầy đủ điều kiện thực hiện dự án và không có bất kỳ hạn chế nào nhưng UBND Đồng Nai không cho phép Thành Thuận khai thác đá là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền bình đẳng về kinh doanh của người dân.

Trong trường hợp có căn cứ chứng minh UBND tỉnh Đồng Nai có hành vi trái pháp luật trong việc từ chối cấp phép cho Thành Thuận, có thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi trái phép của người thi hành công vụ gây ra và thuộc phạm vi bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính quy định tại Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như không cấp giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trái pháp luật… thì Thành Thuận có quyền khiếu nại, khởi kiện UBND tỉnh Đồng Nai để yêu cầu bồi thường”.

Cụ Mai cho rằng cho đến nay vẫn bị địa phương áp dụng sai pháp luật, đối xử bất bình đẳng, ngăn cản việc đầu tư kinh doanh hợp pháp, gây khó dễ. Số đất 5 ha còn lại, dù hiện bị các mỏ đá “bao vây”, Thành Thuận xin được khai thác sử dụng tránh tình trạng “đất chết” nhưng vẫn không được chấp nhận. 

Thậm chí Thành Thuận còn thường xuyên bị mỏ đá của Dona Coop kế bên tố “gây ô nhiễm”, từ đó các cơ quan chức năng Biên Hòa liên tục kiểm tra. Sau khi không thấy chứng cứ Thành Thuận “gây ô nhiễm”, cơ quan chức năng Biên Hòa tiếp tục mời Thành Thuận làm việc về chuyện “xây dựng không phép” mấy chiếc… lò đất đốt than.