Chính sách tiền tệ không cho phép 'thử sai'

Thanh Thanh

Đối mặt với những biến số kinh tế toàn cầu, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN lại khó khăn như hiện nay, trong khi đó chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”…

Thách thức của chính sách tiền tệ đa mục tiêu

Phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng (NH) năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trước biến số kinh tế toàn cầu” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm qua (10/5), Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chia sẻ, bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022.

Quang cảnh Diễn đàn.
Quang cảnh Diễn đàn.

Trong bối cảnh đó, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất với tần suất và tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, 10 lần liên tiếp, tăng 5% trong thời gian qua. Thị trường quốc tế biến động rất mạnh, từ thị trường tiền tệ, ngoại hối với đồng đô la Mỹ biến động mạnh nhất trong 20 năm qua, thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu cho thấy sự dịch chuyển toàn cầu theo xu hướng gây bất lợi tới nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn, thách thức, theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, công tác điều hành CSTT, đặc biệt là các công cụ điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như: Làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao, các nước đã thực hiện cuộc chiến chống lạm phát rất quyết liệt nhưng lạm phát vẫn còn dai dẳng; Vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; Vừa đảm bảo an toàn hệ thống NH trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, NH là một kênh phân phối chính cho nền kinh tế, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn…

“Khó khăn của nền kinh tế là một tổng thể và trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp (DN) và khó khăn của các NH. Nếu các NH hỗ trợ DN ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu NH hoãn, giãn nợ, NH nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía NH, cần tìm được điểm hài hoà vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống NH” - Phó Thống đốc NHNN phân tích.

Đồng thời chia sẻ, chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”, vì “sai một li đi một dặm…”, “Điều hành CSTT cần hướng đến mục tiêu tổng thể, ổn định kinh tế vĩ mô, mong muốn ổn định lãi suất là mong muốn chính đáng, ngành NH mong muốn lãi suất ổn định, lãi suất thấp, cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống tài chính NH” - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Diễn đàn.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Diễn đàn.

Có còn dư địa chính sách?

Với việc NHNN chủ động đi trước một bước trong giảm lãi suất điều hành (2 lần từ đầu năm đến nay), theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thị trường vẫn đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4%/năm, tương đương với lãi suất trước đại dịch COVID-19.

Về tỷ giá, theo chuyên gia này, từ đầu năm đến nay, VNĐ đã tăng giá 0,7 - 0,8%, cơ bản cả năm sẽ ổn định, nếu mất giá thì chỉ khoảng 0,5 -1%. Về tín dụng, năm nay, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng 14 - 15% nhưng khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ thấp hơn.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất hiện nay là nợ xấu đang có dấu hiệu tăng nhanh, mặc dù Thông tư 02/2023/TT-NHNN vừa được ban hành sẽ làm tốc độ tăng nợ xấu chậm lại năm nay và năng lực tài chính của hệ thống NH hiện nay đã tốt hơn nhiều so giai đoạn trước.

Để nền kinh tế phục hồi, theo TS. Cấn Văn Lực, bài toán lớn nhất năm nay là phối hợp chặt chẽ hơn chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cải cách hành chính.

Riêng chính sách tiền tệ năm nay phải đa mục tiêu hơn, vì ngoài mục tiêu thông thường còn phải “gánh” mục tiêu ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ trong bối cảnh thế giới rất bất ổn. Cụ thể, chính sách tiền tệ cần chuyển trạng thái từ chặt chẽ, thận trọng... sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”; Giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ; Hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD…

Đối với chính sách tài khoá, theo TS Cấn Văn Lực, dư địa vẫn còn. Do đó, cần tiếp tục là chủ lực, nới lỏng, có trọng tâm, trọng điểm; Tiếp tục chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí; đẩy nhanh hoàn thuế VAT; phối hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và Chương trình phục hồi 2022 - 2023…

“Cần phối hợp chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong cung tiền - kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tiền tệ - tài chính, phát triển thị trường chứng khoán, tăng năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính” - TS Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên.

 

Chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Hà Thị Kim Nga gợi ý: Các chính sách cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng. NHNN nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các “nút thắt” của thị trường trái phiếu và bất động sản

Tin Cùng Chuyên Mục