Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang nói gì khi được hỏi về vấn đề tương ớt Chin-su tại Đại hội cổ đông?

Theo Phương Danh/Nhịp Sống Kinh Tế

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) cho rằng Keep Going chính là nền tảng giúp doanh nghiệp này vượt lên mọi khó khăn, thử thách để trở thành niềm tự hào Việt Nam.

Chọn mì gói để người Việt "no bụng", câu chuyện Masan bắt đầu từ những điều đơn giản

Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan kể : "Có người từng hỏi tôi, này ông Quang, nghe nói nhà nước cho ông học hành dữ dằn, học về vật lý hạt nhân (học vị Tiến sĩ) nhưng sao lại đi buôn mì gói?"

Câu trả lời ông Quang đưa ra là vào thời điểm ban đầu, ông không có ý định chọn mì gói nhưng bối cảnh khiến cho ông phải lựa chọn. Hai mươi năm trước, tình hình kinh tế Việt Nam còn khó khăn, nhu cầu "no bụng" người Việt Nam là rất cấp thiết, cách tốt nhất và nhanh nhất mà họ có được là một gói mì.

"Đến một ngày, Masan phát hiện ra không chỉ riêng gì người Việt Nam mà còn 140 triệu người dân Nga cũng gần gói mì để giải quyết cơn đói lòng", vị tỉ phú USD chia sẻ.

Ông Quang cho biết mình tin tưởng vào triết lý: "Doing well by doing good". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta làm việc tốt thì không nhất thiết nó phải vĩ đại. Việc bạn làm sẽ trở nên vĩ đại khi nó tốt cho tất cả mọi người". Cho đến thời điểm hiện tại, triết lý chung mà Masan theo đuổi vẫn là Keep Going - tiếp tục đi tới.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang nói gì khi được hỏi về vấn đề tương ớt Chin-su tại Đại hội cổ đông? - Ảnh 1
Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang và tinh thần Keep Going

Theo ông Quang, keep going không phải là một chiến dịch marketing nhằm gây dựng niềm tin vào Masan hay là khẩu hiệu tạo động lực lúc gặp khó khăn. Chính xác đó là "phương cách Masan - Masan Way". Cụ thể, Masan được thành lập không phải với mục tiêu trở thành tập đoàn kinh doanh tỉ USD và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, mà để theo đuổi lý tưởng trở thành niềm tự hào Việt Nam bằng cách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người Việt.

Ông Quang lý giải: "Để thành tựu còn mãi mãi thì chỉ có một việc duy nhất là keep goingTức là đi theo con đường đúng đắn và ý nghĩa với doanh nghiệp và xã hội. Thỉnh thoảng có người đồng ý hoặc không đồng ý nhưng dần dần mọi người sẽ nhận ra".

Khi cổ đông đặt câu hỏi về vấn đề tương ớt Chin-su tại Đại hội cổ đông năm nay, ông Quang bày tỏ quan điểm: "Chúng ta phải thẳng thắn nói ra điều Masan làm chưa tốt. Chúng ta còn chưa chủ động và ít chia sẻ thông tin về một số vấn đề với báo chí - truyền thông. Vậy thì sự hiểu lầm này ảnh hưởng thế nào? Kết quả của Masan Consumer mới là quyết định. Tôi nghĩ kết quả kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều trong câu chuyện này. Masan có đủ các sản phẩm ở các phân khúc khác nhau"

Theo báo cáo của Ban điều hành Tập đoàn Masan công bố tại Đại hội cổ đông năm 2019, Masan tiếp tục dẫn đầu các ngành nước mắm, nước tương và tương ớt trong năm tài chính vừa qua. Doanh thu ngành gia vị đạt 6.958 tỉ đồng, tăng 35% so với năm 2017. Các thương hiệu chủ chốt Chin-su và Nam Ngư đóng góp lớn vào doanh thu do sản lượng gia tăng 26%.

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng nhiều lần tự nhắc nhở Masan không phải hoàn hảo, không thật sự giỏi nhất, cho nên cần phải keep going với nhiều người tài năng và tâm huyết.

Theo ông Quang, tinh thần "keep going" là điều tất yếu để Masan vượt qua khó khăn cũng như thất bại. Từ tinh thần đó, Chủ tịch HĐQT Masan khẳng định : "Phải dám đặt cược vào nhóm khách hàng tiềm năng tương lai và nắm bắt các xu hướng của ngành".

Ông Quang nhận định, chiến lược này đòi hỏi khoản đầu tư đón đầu rất lớn. Việc đầu tư quá an toàn sẽ ít rủi ro, giúp hoàn thành kế hoạch kinh doanh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cách làm trên dẫn đến sự thiếu sáng tạo và đột phá, dần dần sẽ lạc hậu. Đó không phải Masan Way.

Masan nói gì về tương lai 5 năm tới ?

Ông Nguyễn Đăng Quang chỉ ra bức tranh toàn cảnh của thị trường gồm ba nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn.

Đầu tiên, người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm và đỏi hỏi những mặt hàng cao cấp. Do đó, họ sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu.

Tiếp theo, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt con số 50 triệu vào năm 2022, các sản phẩm an toàn và tốt cho sức khỏe sẽ được đón nhận mạnh mẽ.

Cuối cùng, Việt Nam đang trong giai đoạn kỹ thuật số hóa mạnh mẽ và chào đón Thế hệ Z. Ngành bán lẻ Việt Nam sẽ chuyển đổi từ các doanh nghiệp có cửa hàng hiện hữu sang mô hình phân phối đa kênh. Ông Quang cho rằng đây là giai đoạn "khởi nghiệp" của ngành hàng tiêu dùng.

Căn cứ vào ba cơ sở thị trường nói trên, Masan đặt ra chỉ tiêu doanh thu đạt 5 tỉ USD, chi tiêu người tiêu dùng Việt tăng gấp đôi, biên lợi nhuận thuần từ 12%-15% vào năm 2022 và vẫn tuân thủ "Keep Going trong dài hạn".

Tập đoàn Masan cũng dự báo về tình hình kinh doanh của 5 năm tương lai như sau:

Masan Consumer có doanh thu thuần 2 tỉ USD và lợi nhuận sau thuế 400 triệu USD. Masan Nutri-Science cũng đạt doanh thu thuần 2 tỉ USD, xây dựng mạng lưới phân phối thịt lớn nhất toàn quốc, chiếm 10% thị phần thị trường thịt heo trị giá 10,2 tỉ USD.

Masan Resources tăng thị phần APT lên trên 50% bằng việc tăng công suất chế biến của nhà máy hóa chất vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2019.

Bên cạnh đó, Techcombank sẽ đạt lượng khách hàng bán lẻ ít nhất 15 triệu người, tỷ lệ ROA và ROE dẫn đầu ngành, với trên 20%.

Tin Cùng Chuyên Mục