Chứng khoán tuần mới: Duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường ở thời điểm hiện tại

MBS

(Doanhnhan.vn) - Thị trường đi vào giai đoạn phân hóa và tập trung vốn ở các mã vốn hóa lớn ở nhịp phục hồi đầu tiên, khả năng nhóm này sẽ tiếp tục luân phiên dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Chứng khoán thế giới

Khép lại môt tuần đầy biến động, thị trường chứng khoán Mỹ chịu áp lực lớn từ thông tin về số lượng ca tử vong do Covid-19 ở New York và số liệu việc làm gây thất vọng. Dow Jones có quý tệ nhất kể từ năm 1987, tuy nhiên tuần này chỉ giảm 2,70% so với với tuần trước. S&P 500 cũng chỉ giảm 2,08% trong tuần, nhưng đây là quý I giảm mạnh nhất lịch sử của S&P 500 do người tiêu dùng được khuyên ở nhà, các doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, nhân viên phải nghỉ việc hàng loạt. Nasdaq Composite cũng chứng kiến tuần giảm 1,72% so với tuần trước.

Ngoài ra thị trường Nhật bản đứng đầu TOP các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên toàn cầu với mức giảm hơn 8,09%, các thị trường khu vực Đông Nam Á cũng có sự phục hồi nhẹ ngược dòng so với thị trường toàn cầu.

Chứng khoán tuần mới: Duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường ở thời điểm hiện tại - Ảnh 1

Các chỉ số chứng khoán chính trên toàn cầu vẫn thấp hơn 20% so với các mức cao kỷ lục đã xác lập hồi tháng trước. Nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro như chứng khoán trong bối cảnh sự không chắc chắn về thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngân hàng Phát triển châu Á ADB cho biết, chi phí của đại dịch Covid-19 có thể lên tới 4,1 nghìn tỷ USD, tương đương gần 5% GDP toàn cầu. Mức độ thiệt hại sẽ tùy thuộc vào sự lây lan của bệnh qua châu Âu, Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.

Với diễn biến của các chỉ số kinh tế đang dự kiến xấu đi trong quý 2 với cả Châu Âu và Mỹ, kèm với đà tăng mạnh của dịch Covid-19 đang chạy đua tìm vùng đỉnh tại Mỹ thì khả năng nhịp hồi kỹ thuật vừa qua cũng chỉ là một dạng Dead Cat Bounce. Do đó, khả năng các chỉ số chính trên toàn cầu có thể sẽ kiểm tra lại vùng đáy cũ trong thời gian một đến hai tuần tới.

Dự báo về đỉnh dịch Covid-19

Theo một báo cáo của Morgan Stanley, đỉnh dịch sẽ diễn ra vào thời điểm giữa tháng tư đến đầu tháng 5 và dự kiến có thể được khống chế hoàn toàn vào thời điểm đầu tháng 8. Song song với đó, vaccine sẽ dự kiến được thử nghiệm vào tháng 10. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra một cảnh báo rằng khả năng có một làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng phát kể từ sau 20/11 khi mùa khai trường bắt đầu vào mùa thu và có thể sẽ được khống chế hoàn toàn vào tháng 03/2021 khi vaccine chính thức được sử dụng rộng rãi.

Chứng khoán tuần mới: Duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường ở thời điểm hiện tại - Ảnh 2

Nhìn chung, khi chưa tìm thấy một giải pháp y tế toàn cầu cho đại dịch, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro như làn sóng lây nhiễm thứ hai, các lệnh đóng cửa, phong tỏa kéo dài, gián đoạn hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng…

Niềm tin doanh nghiệp giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận. Với số liệu sản xuất đang đi xuống rất mạnh, GDP toàn cầu dự kiến sẽ dẫn đến suy thoái sâu sắc dựa trên các số liệu hiện tại.

Với các dự báo về đỉnh dịch có thể diễn ra trong tháng 4 và đầu tháng 5, có thể TTCK sẽ có pha giảm trong thời gian tới với kỳ vọng dịch tạo đỉnh thì chứng khoán có thể sớm tạo vùng đáy trung hạn.

Chứng khoán Việt Nam

TTCK trong có tuần phục hồi sau 3 tuần giảm liên tiếp, hỗ trợ đà tăng là không chỉ ở các mã cổ phiếu vốn hóa lớn mà còn lan tỏa ở khắp các nhóm ngành trong bối cảnh dòng tiền thận trọng. Tín hiệu tích cực lúc này là khối ngoại đã giảm đà bán ròng đáng kể.

Sau chuỗi giảm mạnh khiến chỉ số VN-Index mất 27,3% kể từ đầu năm và rơi vào thị trường giá xuống (bear market), thị trường đã thu hẹp đà giảm cùng biên độ dao động khi về vùng 700 điểm. Mức tăng 0,8% trong tuần vừa qua cũng là mức tăng duy nhất sau 3 tuần giảm, cùng với đó mức giảm ở các nhóm idnex khác vẫn đã được cải thiện, nhóm midcap và smallcap không còn giảm mạnh trong tuần vừa qua với mức giảm bình quân 0,9%, ở bộ 3 chỉ số ETF mức giảm cũng giảm so với tuần trước đó, bình quân khoảng 1,5%.

Sở dĩ thị trường chung tăng ít trong khi các nhóm index khác vẫn chịu áp lực giảm là do thị trường được kéo bởi các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Cổ phiếu VIC, BID và VCB đều tăng hơn 2% để đóng góp vào mức tăng nhẹ của thị trường, trong khi kìm hãm đà tăng của thị trường là các cổ phiếu lớn quay đầu giảm như VHM (giảm 3,83%), VPB (giảm 10,23%),…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng và bảo hiểm là những lĩnh vực dẫn đầu đà phục hồi của thị trường nhờ HPG tăng 8,95%, BVH tăng 11,32% và PVI tăng 7,22%. Theo thống kê, hầu như các nhóm cổ phiếu chủ chốt đã thoát đáy từ 7% đến 23%, các nhóm cổ phiếu đảo chiều tăng tốt từ mức đáy là: bảo hiểm (23%), bán lẻ (11,7%), Vingroup (16,7%), chứng khoán (10%) hay dầu khí (9,5%),…

Có thể thấy, sau khi hãm đà rơi thị trường có thể đi vào giai đoạn phân hóa và tập trung vốn ở các mã vốn hóa lớn ở nhịp phục hồi đầu tiên, khả năng nhóm này sẽ tiếp tục luân phiên dẫn dắt thị trường trong thời gian tới và nhà đầu tư càng nghi ngờ vào nhịp hồi phục thì thị trường càng được kéo lên.

Điều này không hiếm gặp trong vài năm trở lại đây khi nhóm vốn hóa lớn là tiên phong và là động lực chính để đưa thị trường đi lên, thậm chí cơ hội không dành cho số đông ở phần lớn thời gian thị trường leo dốc.

Chứng khoán tuần mới: Duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường ở thời điểm hiện tại - Ảnh 3

Thanh khoản tuần vừa qua giảm, nhưng mức giảm cao hơn so với tuần trước đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt trên 2.437 tỷ đồng, thấp hơn với mức bình quân kể từ đầu năm cho tới nay. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch đạt trên 3.420 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với tuần trước đó.

Việc thanh khoản giảm có thể do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường trong 3 phiên tăng vừa qua có nhiều mã tăng trần khiến dòng tiền không thể vào thêm, hoặc cũng có thể do khối ngoại giảm giao dịch trong tuần.

Ngoài ra, theo kỹ thuật việc thị trường hồi trong nhịp giảm cũng làm nhà đầu tư nghi ngờ thị trường có thể hồi mang tính kỹ thuật chứ không xuất phát từ yếu tố cơ bản, do vậy chỉ có một phần vốn được giải ngân để thăm dò.

Mặc dù khối ngoại bán ròng sang tuần thứ 10 liên tiếp trên sàn HSX nhưng việc xuất hiện những phiên giảm bán đáng kể đan xen trong tuần đang là tín hiệu tích cực nhất đối với thị trường lúc này. Tuần vừa qua khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó sàn HSX là 1.050 tỷ đồng.

Chứng khoán tuần mới: Duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường ở thời điểm hiện tại - Ảnh 4

Ở thị trường trong nước, dòng vốn đầu tư quốc tế qua kênh ETF đã trở lại mua ròng chủ yếu ở quỹ FTSE Việt Nam trong tuần vừa qua, qua đó thu hẹp lượng bán ròng qua kênh này 40,5 triệu USD kể từ đầu năm.

Về định giá, mức PE hiện tại về mức 10.89 lần và mức P/E forward khoảng 10,45 lần thu nhập, thị trường Việt Nam đang được định giá hấp dẫn khi có P/E thấp trong khi ROE đạt trên 17% cùng các thị trường cận biên. Tuy vậy, mức hồi phục của thị trường VN lại kém hấp dẫn hơn so với các thị trường mới nổi, thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc hay Malaysia...

Bởi vậy, đây có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng để chờ đợi cơ hội mua tốt nhất khi thị trường bị rơi vào trạng thái bán quá đà và sát các vùng hỗ trợ kỹ thuật mạnh xoay quanh vùng 600-650 điểm.

Việc TTCK Mỹ đã thực sự xác lập đỉnh và rơi vào Bear market và nhìn rộng ra TTCK toàn cầu đang trong một down trend thì việc phục hồi kỹ thuật ngắn hạn có lẽ chưa có nhiều ý nghĩa và khó có thể đi xa được. Với diễn biến giảm sâu của VN-Index, mức độ hồi kỹ thuật có thể diễn ra tuy nhiên áp lực bán ròng của NĐTNN vẫn đang duy trì rất mạnh sẽ là yếu tố cản trở cho đà tăng trở lại của thị trường.

Chiến lược đầu tư

Duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường trong thời điểm hiện tại. Hạn chế sử dụng margin và tuân thủ chặt chẽ quy tắc cắt lỗ để bảo toàn trạng thái tài khoản.

Thị trường đã tăng 6 phiên trong 7 phiên gần đây, qua đó giữ vững vùng hỗ trợ 650 điểm và có thể đang hướng tới vùng 740 điểm, tuy nhiên thị trường có thể cần thêm nhịp giảm để test lại vùng 650 điểm. Do đó, NĐT có thể tranh thủ cơ cấu lại tài khoản, ưu tiên mua thăm dò các cổ phiếu Bluechips cơ bản tốt đã giảm sâu cho mục tiêu từ 3 đến 6 tháng tới. Có thể chốt lời T+ nếu hàng về tài khoản bắt đầu có lãi, chờ các nhịp điều chỉnh mua lại với vùng giá hợp lý.

Ưu tiên các ngành có mức độ tập trung của dòng tiền cao, thanh khoản tốt như: ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm, bán lẻ, công nghệ, SX&PP điện, Dược phẩm, săm lốp... Danh mục cổ phiếu chúng tôi ưu tiên gồm: VCB, MBB, BID, TCB, CTG, MWG, PNJ, FPT, REE, POW, HPG, VRE, NLG, VNM, GAS, PLX, PVS, BSR, DRC, DXG, HDG, VRE.

Tin Cùng Chuyên Mục