Chứng khoán VNDirect: Điều gì tạo nên sự thăng hoa của cổ phiếu VND?

Quỳnh Chi

Sự đi lên mạnh mẽ của cổ phiếu VND được hỗ trợ tích cực từ câu chuyện tăng vốn đang cấp bách hơn bao giờ hết đối với các Công ty chứng khoán.

Cổ phiếu nổi sóng sau khi chuyển sàn

Thị trường chứng khoán thăng hoa cùng giao dịch bùng nổ được đánh giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các công ty chứng khoán. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng theo đó nổi sóng mạnh mẽ trong đó cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect là một cái tên nổi bật.

Sóng tăng của cổ phiếu VND ngày càng trở lên mạnh mẽ kể từ sau khi chuyển sàn giao dịch sang HNX theo phương án được UBCKNN “bật đèn xanh” để giảm tải cho hệ thống trên HoSE. Cổ phiếu này là cái tên tiên phong “chuyển nhà” khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trên HoSE vào ngày 30/3 và chào sàn HNX vào ngày 5/4.

Từ mức 18.660 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh), thị giá VND đã tăng hơn 134% lên 43.700 đồng/cổ phiếu chỉ sau chưa đến 3 tháng. Không chỉ tăng giá mạnh, cổ phiếu VND cũng giao dịch sôi động hơn rất nhiều với thanh khoản bình quân phiên kể từ khi chuyển sàn đạt xấp xỉ 6,5 triệu đơn vị, gấp đôi khối lượng giao dịch trung bình phiên 1 năm trở lại đây.

Chứng khoán VNDirect: Điều gì tạo nên sự thăng hoa của cổ phiếu VND? - Ảnh 1

“Game” tăng vốn đầy cấp bách

Theo giới phân tích, sự đi lên mạnh mẽ của cổ phiếu VND được hỗ trợ tích cực từ câu chuyện tăng vốn đang cấp bách hơn bao giờ hết đối với các Công ty chứng khoán.

Theo kế hoạch, VNDirect sẽ phát hành hơn 214,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến nâng lên gần 4.350 tỷ đồng. Ngày 11/6 vừa qua, Công ty chứng khoán này đã chốt danh sách đăng ký cuối cùng để nhận quyền mua cổ phiếu phát hành thêm.

Giá phát hành là 14.500 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền ước tính thu về từ đợt phát hành lên đến hơn 3.100 tỷ đồng dự kiến sẽ được VNDirect sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động. Trong đó, 40% số tiền thu về dùng để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, 20% nguồn thu bổ sung cho hoạt động đầu tư giấy tờ có giá, 20% cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, 20% cho năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có đảm bảo.

Theo thống kê, tính tới thời điểm ngày 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt hơn 112.000 tỷ đồng, tăng hơn 31.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10.700 tỷ so với cuối quý I/2021.

Theo quy đinh, dư nợ cho vay tại các Công ty chứng khoán không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu dẫn đến một số công ty đã có dấu hiệu chạm trần cho vay margin thời gian gần đây. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn thu của các Công ty chứng khoán trong bối cảnh cuộc đua về phí ngày càng gay gắt. Do đó, việc tăng vốn sớm sẽ giúp VNDirect chiếm được lợi thế so với các đối thủ cùng ngành trong việc thu hút nhà đầu tư.

Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect cho biết việc tăng vốn sẽ giúp công ty cải thiện hạn mức kinh doanh và là điều kiện tiên quyết để giữ được lợi thế quy mô, cạnh tranh. Với điều kiện thuận lợi của thị trường hiện nay, VNDirect vẫn sẽ đảm bảo tỷ lệ sinh lời trên vốn (ROE) từ 17 – 18%.

Lợi nhuận lên đỉnh cùng làn sóng F0

Năm 2021 được đánh giá sẽ tiếp tục là một năm hoạt động đầy khởi sắc của các Công ty chứng khoán trong đó VNDirect cũng không ngoại lệ.

Theo FiinGroup, lợi nhuận sau thuế của 31/35 Công ty chứng khoán (chiếm 96,1% vốn hóa của ngành này) dự kiến tăng 27%. Con số này dù thấp hơn so với mức tăng của năm 2020 (55,4%) nhưng vẫn được đánh giá là tăng tốc so với mức trung bình 5 năm (22,5%).

Cụ thể trong năm 2021, VNDirect đặt ra mục tiêu doanh thu hoạt động 2.556 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 28% so với năm trước. Kế hoạch này được đưa ra dựa trên kịch bản cơ sở khi chỉ số VN-Index sẽ đạt 1.180-1.230 điểm trong năm 2021.

Chứng khoán VNDirect: Điều gì tạo nên sự thăng hoa của cổ phiếu VND? - Ảnh 2

Kết quả kinh doanh của VNDirect được dự báo sẽ được hỗ trợ tích cực đến từ làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới gần nửa triệu tài khoản chứng khoán, vượt qua cả số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Ban lãnh đạo VNDIRECT cho biết, Công ty chứng khoán này đã có thêm 65.000 tài khoản mới trong quý đầu năm, tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số tài khoản đang quản lý tính đến cuối tháng 3 lên đến 460.000 tài khoản.

Theo SSI Research, thanh khoản thị trường dự báo đạt trung bình 18.000 tỷ đồng/phiên trong cả năm 2021 và tăng thêm 15% trong năm 2022 nhờ môi trường lãi suất thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ gia nhập thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Tin Cùng Chuyên Mục