CK tuần 25-29/05: Tiếp đà hưng phấn, nhà đầu tư nên chốt lời danh mục ngắn hạn

Lan Anh (Nguồn: MBS)

(Doanhnhan.vn) - Giới chuyên gia khuyên, nhà đầu tư nên chốt lời dần các cổ phiếu đã có lãi, chỉ duy trì nắm giữ các cổ phiếu mạnh vẫn còn đà tăng.

Thị trường thế giới

Bất chấp dữ liệu kinh tế u ám khiến thị trường điều chỉnh vào cuối tuần, đặc biệt là thị trường Hồng Kông và Trung Quốc, phần lớn các chỉ số chứng khoán đều tăng trong tuần vừa qua nhờ việc tái mở cửa nền kinh tế và bắt đầu dỡ bỏ các lệnh hạn chế đối với kinh doanh. Tâm lý thị trường cũng được cải thiện bởi sự lạc quan ngày càng tăng về một loại vắc-xin ngừa Covid-19 tiềm năng.

Tuần qua, Dow Jones vọt 3,3%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 09/04/2020. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng tăng hơn 3% trong tuần này. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 vượt qua các chỉ số vốn hóa lớn trong tuần này với mức leo dốc hơn 7%. Thị trường chứng khoán tỏ ra không liên quan tới bức tranh vĩ mô u ám, dốc sức giữ đà tăng tốc nhờ kỳ vọng kinh tế mỹ sẽ phục hồi vào cuối năm 2021, bên cạnh đó phao cứu sinh cho nền kinh tế Mỹ lúc này là 4 gói kích thích kinh tế được Quốc hội Mỹ phê chuẩn kể từ tháng 3.

CK tuần 25-29/05: Tiếp đà hưng phấn, nhà đầu tư nên chốt lời danh mục ngắn hạn - Ảnh 1

Chỉ số S&P 500 chỉ còn giảm 11% kể từ đầu năm tới nay, hồi phục mạnh so với đợt bán tháo vào tháng 3 khi đại dịch bùng nổ, 1/5 số cổ phiếu trong chỉ số tăng giá so với đầu năm. Chỉ số Nasdaq 100, có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp Internet và công nghệ sinh học tăng 5%. S&P 500 khép lại tuần vừa qua cao hơn 35% so với mức đáy trong phiên xác lập ngày 23/03/2020.

Tuy nhiên, sự tích cực về vắc-xin ngừa Covid-19 và tái mở cửa kinh tế đã bị kìm hãm khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang gây sức ép lên tâm lý thị trường trong tuần sau khi Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật có thể cấm các công ty Trung Quốc như Alibaba và Baidu niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ.

Kỳ vọng nền kinh tế hồi phục nhanh chóng theo hình chữ V cũng phai nhạt. Các thị trường tài chính tràn ngập những dự báo đầy thận trọng. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đánh giá, nền kinh tế đối diện rủi ro xuống dốc nghiêm trọng, thúc giục Quốc hội Mỹ có thêm các gói hỗ trợ, thậm chí quan tâm tới việc sử dụng lãi suất âm để thúc đẩy tăng trưởng. Theo các nhà phân tích tại Bank of America, giá cổ phiếu đã tách rời khỏi nền kinh tế do sự can thiệp gần đây từ các ngân hàng trung ương vào thị trường trái phiếu.

Kể từ đầu tháng 4 tới nay, chỉ số S&P 500 giao dịch quanh quẩn ở 2 mức kháng cự (mức Fibonacci 50% và 61,8%). Nguyên nhân chính là thiếu vắng các thông tin mang tính bước ngoặt, đủ để đưa ra quyết định hành động.

Thị trường trong nước                                

TTCK Việt Nam tiếp tục có tuần tăng thứ 3 liên tiếp nhờ dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường, đặc biệt ở bộ 3 chỉ số ETF. Bên cạnh đó số tài khoản mở mới cũng không ngừng tăng trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Ngoài ra tín hiệu tích cực từ khối ngoại giảm bán ròng cũng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong tuần vừa qua.

CK tuần 25-29/05: Tiếp đà hưng phấn, nhà đầu tư nên chốt lời danh mục ngắn hạn - Ảnh 2

Với việc liên tếp vượt các ngưỡng 850 điểm đến 860 điểm, độ rộng thị trường khá tích cực với 200 mã tăng, 162 mã giảm giá và 19 mã đứng giá. Nhóm Vn30 thậm chí có tới 26 mã tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá trong tuần vừa qua. Thị trường đã tạo sự lan tỏa rộng khắp ở các nhóm cổ phiếu, ngoài nhóm Vn30 thì nhóm ETF cũng có mức tăng rất tốt, đặc biệt ở nhóm Finlead và FinSelect. Theo đó, nhóm Finlead tăng ở mức 4,48%, tiếp đến là nhóm Finselect tăng 3,81%, nhóm Diamond tăng 1,72%. Ngoài ra nhóm Midcap có mức tăng 0,97% và Smallcap tăng 1,02%. Tuần vừa qua cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của nhóm midcap và tuần tăng thứ 7 liên tiếp của nhóm Smallcap.

Đóng góp vào mức tăng 25,71 điểm của Vnindex trong tuần vừa qua là các cổ phiếu lớn như: VCB, VHM, HPG, CTT, VNM, GAS… Trong khi đó, rổ Vn30 cũng tăng mạnh 29,19 điểm và góp công nhiều nhất giúp chỉ số này tăng 3,77% trong tuần vừa qua là các cổ phiếu lớn như: HPG, VCB, VNM, VHM, TCB…

Nhóm cổ phiếu có mức tăng bình quân theo vốn hóa mạnh nhất trong tuần vừa qua thuộc về nhóm xây dựng và VLXD (10,47%), ngân hàng (4,56%), ô tô và phụ tùng (8,53%), dầu khí (3,98%), bản lẻ (3,5%)… đã bù đắp cho các nhóm cổ phiếu giảm giá như nhóm bất động sán (-1,11%), logistics (-1,39%),…

CK tuần 25-29/05: Tiếp đà hưng phấn, nhà đầu tư nên chốt lời danh mục ngắn hạn - Ảnh 3

Cổ phiếu nhóm xây dựng và VLXD có mức tăng nhiều nhất với HPG và HSG tăng lần lượt 15,96% và 9,6%. Ngoài nhóm chứng khoán thì nhóm cổ phiếu ngân hàng với CTG tăng 9,09%, VCB tăng 6,58%, EIB tăng 9,03%. Nhóm cổ phiếu ô tô và phụ tùng với VEA tăng 9,33%. Nhóm cổ phiếu dầu khí với GAS tăng 4,23%, nhóm bán lẻ với FRT tăng 15,74%.

TTCK đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục tàn phá nhiều nền kinh tế trên thế giới. Riêng đối với TTCK Việt Nam, việc kiểm soát tốt dịch bệnh kèm theo việc mở cửa lại các địa điểm công cộng, các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ…, đã và đang khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tốt hơn. Bên cạnh đó, có thể sau đợt giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư đã nhận định đây chính là cơ hội mua cổ phiếu với mức giá hấp dẫn. Do vậy, lượng nhà đầu tư tìm đến các công ty chứng khoán mở tài khoản giao dịch vì thế mà tăng vọt.

Tâm lý nhà đầu tư tích cực, đặc biệt thị trường liên tục bứt phá tăng điểm khi khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch được nhiều tổ chức kinh tế đánh giá cao. Theo WB, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và mức xếp hạng “ổn định” của Fitch đưa ra gần đây khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh trong trung hạn của Việt Nam, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.

Về xu hướng dòng tiền

Dòng tiền mới đổ vào thị trường vẫn rất lớn dù đã hạ nhiệt so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh tuần vừa qua đạt 4.493 tỷ đồng, giảm 6,3% so với tuần trước. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch đạt trên 5.495 tỷ đồng (giảm 12%) tuy vậy 2 tuần vừa qua cũng là 2 tuần thanh khoản đạt mức cao nhất kể từ năm 2018.

CK tuần 25-29/05: Tiếp đà hưng phấn, nhà đầu tư nên chốt lời danh mục ngắn hạn - Ảnh 4

Thanh khoản nhóm Smallcap và nhóm Midcap đã giảm với mức giảm lần lượt 13,7% và 9% và dòng tền chuyển rời khỏi các nhóm ETF khi nhóm VN Diamond giảm 12,1%, nhóm Finlead giảm 7,8%, nhóm Finselect giảm 9,3%.

Về cơ cấu dòng tiền, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn dẫn đầu với tỷ trọng chiếm 26,6% toàn thị trường, tiếp theo là các nhóm khác như: xây dựng và vật liệu xây dựng (17,5%), nhóm Vingroup và thực phẩm đều chiếm 10,7%...

Về giao dịch của khối ngoại

Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trong phiên cuối tuần tuy nhiên tính cả tuần thì vẫn bán ròng nhưng chỉ ở mức thấp. Theo đó, trong tuần vừa qua họ đã bán ròng tổng cộng 112,6 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh là 213,9 tỷ đồng, đây cũng là tuần bán ròng thấp so với chuỗi bán ròng trước đó.

CK tuần 25-29/05: Tiếp đà hưng phấn, nhà đầu tư nên chốt lời danh mục ngắn hạn - Ảnh 5

Kể từ đầu năm cho tới nay, khối ngoại đã bán ròng 15.283 tỷ đồng trên sàn HSX, trong đó giao dịch thông qua khớp lệnh là 15.360 tỷ đồng. Trong tuần vừa qua, khối ngoại đã mua ròng ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng, VN Diamond, Finlead, Finselect, Dầu khí, Thực phẩm, Ô tô và phụ tùng, Sản xuất & PP Điện, Bất động sản, Dược phẩm, Cao su tự nhiên, Dệt may, Công nghệ. Ở nhóm 3 chỉ số ETF, tuần vừa qua nhóm Diamond tiếp tục mua ròng 147 tỷ trong khi tuần trước mua 237 tỷ, bên cạnh đó ở 2 nhóm FinLead và FinSelect mua bình quân còn 160 tỷ trong khi tuần trước đó mua ròng 436 tỷ đồng.

Tóm lại, chứng khoán toàn cầu thoát đáy đã gần 2 tháng và câu hỏi của phần lớn giới đầu tư đến lúc này vẫn xoay quanh câu chuyện vì sao các chỉ số chứng khoán lại tách rời khỏi các chỉ báo kinh tế. Hay nói cách khác là bất chấp số liệu kinh tế đầy u ám do đại dịch Covid-19 gây ra tác động mạnh mẽ đến GDP toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp cho tới PMI,…nhưng các tài sản rủi ro vẫn phục hồi mạnh mẽ sau thời gian giảm mạnh.

Câu trả lời đến từ các NHTW, Các Ngân hàng Trung ương đã triển khai tổng cộng khoảng 4.000 tỷ USD để mua tài sản trong 8 tuần qua và vốn hóa thị trường cổ phiếu toàn cầu đã tăng thêm 15.000 tỷ USD. Đồng thời, các Ngân hàng Trung ương đã chi ra 2,4 tỷ USD mỗi giờ để mua tài sản tài chính.

Ở thị trường trong nước, cùng chung xu hướng của nhiều nước trên thế giới nhằm hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tác động của dịch Covid-19, ngày 12/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua NHNN có động thái như vậy. Do vậy, trong ngắn hạn dòng tiền nội vẫn đang là yếu tố quan trọng nâng đỡ thị trường hồi phục, tuy nhiên cũng cần lưu ý áp lực chốt lời đang gia tăng mạnh mẽ sau khi đa phần các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng giá mạnh và xác lập mặt bằng giá mới trong 2 tháng vừa qua.

Chiến lược đầu tư

Tiếp tục chốt lời danh mục ngắn hạn khi cổ phiếu về tài khoản, nhất là những nhóm cổ phiếu có diễn biến tăng nóng trong thời gian gần đây. Có thể xem xét mua vào với tỷ trọng hợp lý nếu xuất hiện nhịp điều chỉnh tại các vùng hỗ trợ gần nhất nhưng không bị phá vỡ như vùng 840-820 điểm. Tuân thủ chặt nguyên tắc dừng lỗ nếu xu hướng thị trường có những diễn biến bất ngờ ngoài dự đoán.

Cơ hội đầu tư

Nhóm cổ phiếu ít ảnh hưởng bởi Covid-19 và có tăng trưởng KDKQ Q1 như Công nghệ, Thực phẩm, Bán lẻ, SX&PP Điện, Cung cấp nước sạch; Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công (xây dựng, VLXD), Nhóm cổ phiếu BĐS khu CN, hưởng lợi từ các FTAs như Thủy sản…

CK tuần 25-29/05: Tiếp đà hưng phấn, nhà đầu tư nên chốt lời danh mục ngắn hạn - Ảnh 6

Với kịch bản thận trọng (50%) Chỉ số VN-Index điều chỉnh sideway quanh ngưỡng 820-860 điểm, nhà đầu tư nên chốt lời dần các cổ phiếu đã có lãi, chỉ duy trì nắm giữ các cổ phiếu mạnh vẫn còn đà tăng, trading Bán cao/Mua thấp trong vùng dao động. Xem xét mua vào với tỷ trọng nhỏ thăm dò khi VN-Index chạm hỗ trợ 820. Tuy nhiên, Dự phòng kịch bản nếu áp lực bán mạnh xuất hiện tại vùng này, chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh trở lại xoay quanh vùng 800 điểm.

Tin Cùng Chuyên Mục