Cổ đông ngoại yêu cầu Eximbank tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường sau 2 lần đổ bể

Hiếu Nguyễn

(Doanhnhan.vn) - Theo yêu cầu từ phía Sumitomo, Eximabank sẽ phải tổ chức ngay cuộc họp cổ đông bất thường vào buổi chiều ngày 30/6, dù buổi sáng ngân hàng này dự kiến họp đại hội thường niên.

Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã CK: EIB) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên sắp diễn ra. 

Đáng chú ý, ngay sau khi đại hội cổ đông thường niên kết thúc vào buổi sáng 30/6, Eximbank sẽ ngay lập tức tổ chức một buổi đại hội cổ đông bất thường vào chiều cùng ngày theo yêu cầu của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông nắm 15% vốn tại Eximbank.

Cuộc họp theo yêu cầu của SMBC nhằm giải quyết tất cả các vấn đề của năm tài chính 2019, vốn bị trì hoãn trong thời gian dài, xem xét đề nghị giảm số lượng thành viên HĐQT từ 11 người xuống còn 7 người.

Trước đó, Eximbank đã 2 lần tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên nhưng đều đổ bể vào phút chót do các cổ đông không đồng thuận tham gia. 

Báo cáo về hoạt động trong năm 2019, ban kiểm soát Eximbank nhận định HĐQT đã thiếu nhịp nhàng, các thành viên còn nhiều ý kiến gây tranh cãi, không thể thống nhất quyết định. Điều này dẫn đến việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là việc bổ nhiệm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Eximbank.

Các vấn đề về tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, đại hội đồng cổ đông bất thường 2019 theo yêu cầu của cổ đông, và vấn đề cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng...cũng bị ảnh hưởng do sự thiếu nhất quán của các thành viên HĐQT.

"Điều này dẫn đến việc Eximbank bị xử phạt hành chính và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của ngân hàng", ban kiểm soát nêu rõ và khẳng định đây là bài học sâu sắc để HĐQT phải rút kinh nghiệm, tránh lặp lại trong nhiệm kỳ tới.

Cổ đông ngoại yêu cầu Eximbank tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường sau 2 lần đổ bể - Ảnh 1

 

Liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao, tờ trình đại hội cổ đông xác nhận sẽ tiến hành bầu ra HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây cũng là một nội dung được dư luận quan tâm, bởi vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank liên tục có sự biến động trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5/2019. 

Cụ thể, ngày 22/3/2019, bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên HĐQT - được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc - người giữ vị trí chủ tịch HĐQT trước đó - đã gửi đơn kiện lên Tòa án Nhân dân TPHCM, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết bầu bà Tú làm chủ tịch HĐQT.

"Ghế nóng" tại Eximbank lại được giao cho ông Lê Minh Quốc. Nhưng chỉ 1 tuần sau đó, Eximbank chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Quốc và tuyên bố ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019. Ban lãnh đạo kỳ vọng tổng tài sản tăng 5%, đạt 176.000 tỷ đồng, đồng thời giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%.

Với các chỉ tiêu trên, Eximbank dự kiến trích 2% lợi nhuận trước thuế hợp nhất để trả thù lao cho HĐQT, nhưng không thấp hơn 15 tỷ đồng. Đây là mức thù lao bằng năm 2019.

HĐQT cũng trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức cho năm tài chính 2019. Mặc dù còn 1.380 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, tuy nhiên theo giải trình, Eximbank là tổ chức tín dụng được Ngân hàng nhà nước chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt, nên sẽ không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán hết.

Tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán/tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6,04%, cao hơn so với mức quy định tối đa 5%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ khoản dư nợ 746 tỷ đồng của 7 khách hàng thế chấp cổ phiếu Sacombank để để mua cổ phiếu Eximbank. Về vấn đề này, Eximbank cho biết sẽ tập trung xử lý khoản nợ trong năm 2020.

Tin Cùng Chuyên Mục