Có hay không việc doanh nghiệp dùng trái phiếu doanh nghiệp để "rửa nợ xấu"?

Giang Phạm

Theo luật sư Lê Thu Hằng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, doanh nghiệp dùng trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn với nhiều mục đích khác nhau, với thị trường trái phiếu không được kiểm soát chặt thì việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không có tài sản bảo đảm thì nguy cơ thành trái phiếu “rác” khi doanh nghiệp lợi dụng lòng tin “bán giấy lấy tiền”.

Vài năm trở lại đây, trái phiếu doanh nghiệp ngày càng trở thành kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Tính trong năm 2021, trái phiếu trở thành kênh đầu tư đại chúng với quy mô phát hành đạt 659.000 tỷ đồng, bằng gần 16% GDP, tăng tới 33% so với năm trước. 

Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm khoảng 35% khối lượng phát hành; 65% còn lại là nhóm phi tài chính, riêng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm 61%.

Trái phiếu doanh nghiệp ngày càng trở thành kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp ngày càng trở thành kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp.

Khó có thể phủ nhận những tác động tích cực của trái phiếu doanh nghiệp như bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời là kênh để tổ chức cá nhân có nguồn vốn nhàn rỗi đầu tư để hưởng lãi suất cao hơn so với gửi ngân hàng. 

Đi kèm những lợi ích như vậy, do đặc thù doanh nghiệp tự vay, tự trả nên trái phiếu doanh nghiệp ẩn chưa nhiều tiềm ẩn rủi ro từ chính nội tại của doanh nghiệp phát hành. 

Rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu doanh nghiệp

Chia sẻ với Doanhnhan.vn, Luật sư Lê Văn Hồi, Công ty Luật TNHH My Way cho biết, những rủi ro này có thể kể đến như: (i) Doanh nghiệp có quy mô nhưng huy động tiền với khối lượng lớn, lãi suất cao dẫn đến mất khả năng chi trả khi kết quả kinh doanh gặp vấn đề; (ii) Doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém không đủ khả năng hoàn trả tiền cho người mua.

Cần phải nhấn mạnh rằng, mặc dù tỷ lệ phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp. Giá trị của tài sản này không định giá được chính xác, có thể biến động theo thị trường chứng khoán, hay bất động sản...

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp. Chính vì những lý do trên, luật sư Hồi nhấn mạnh, các tổ chức hay cá nhân khi mua trái phiếu cần nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá đầy đủ năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Cụ thể, luật sư của công ty luật Myway cho rằng, điểm mấu chốt của các nhà đầu tư khi mua trái phiếu cần quan tâm bao gồm sức mạnh nội tại của doanh nghiệp tốt thể hiện qua kết quả kinh doanh hiệu quả của những năm liền kề trước phát hành; uy tín của doanh nghiệp phát hành chi trả trên thị trường, đặc biệt là việc chi trả gốc, lãi của các đợt phát hành trái phiếu trước (nếu có).

Ngoài ra, đó còn là thông tin về khoản tài sản đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp; và uy tín của công ty chứng khoán tư vấn đợt phát hành trái phiếu.

Tuân thủ pháp luật, nắm rõ thông tin về trái phiếu, về doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư hay cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các tổ chức hay cá nhân khi mua trái phiếu cần nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá đầy đủ năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành.
Các tổ chức hay cá nhân khi mua trái phiếu cần nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá đầy đủ năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Có hay không việc sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp để "rửa nợ xấu"?

Đề cập đến việc doanh nghiệp liệu có sử dụng nguồn vốn nhận được từ trái phiếu cho mục đích "rửa nợ xấu" hay không, Luật sư Lê Thu Hằng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, điều này có thể xảy ra.

Theo luật sư Hằng, doanh nghiệp dùng trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn với nhiều mục đích khác nhau, với thị trường trái phiếu không được kiểm soát chặt thì việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không có tài sản bảo đảm thì nguy cơ thành trái phiếu “rác” khi doanh nghiệp lợi dụng lòng tin “bán giấy lấy tiền”.

Doanh nghiệp có thể huy động cả trăm, nghìn tỷ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng sai mục đích không. Trong hồ sơ phát hành là huy động tiền từ trái phiếu để đầu tư dự án A, nhưng doanh nghiệp có thể đem tiền đổ vào dự án B hoặc thậm chí có khả năng tất cả dự án đều là không có thật. Ngoài ra, khoản tiền đi vay từ trái phiếu còn lớn hơn nhiều so với tài sản công ty phát hành.

Do đó việc dùng trái phiếu doanh nghiệp để “rửa nợ xấu” có thể xảy ra nếu như doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện như: không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành và đặc biệt không có sự thanh tra, giám sát chặt chẽ từ cơ quan có thẩm quyền để thị trường minh bạch, tránh việc Ngân hàng thương mại hợp tác với doanh nghiệp để “tái cơ cấu nợ” cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc cố gắng "lách luật" sử dụng sai mục đích phát hành trái phiếu hay công bố thông tin sai sự thật có thể biến thị trường trái phiếu gặp nhiều rủi ro, qua đó gây hại đến một phương thức huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. 

Tin Cùng Chuyên Mục