Cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2021

Quỳnh Chi

IMF dự báo khá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Mặc dù còn nhiều thách thức về ổn định tình hình dịch bệnh, Việt Nam vẫn có thể tận dụng những lợi thế quốc gia riêng biệt để thu hút dòng vốn ngoại.

Năm 2020, trước sự tàn phá mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng âm. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP của các nước đang phát triển và mới nổi lần đầu tiên trong 60 năm qua tăng trưởng âm (-2,5%), trong khi mức tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển ở mức (-7%).

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong mười năm gần đây. Nguồn: WorldBank
Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong mười năm gần đây. Nguồn: WorldBank

Đối với Việt Nam, nhờ khống chế tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế năm 2020 vẫn ở mức cao so với trung bình của thế giới, 2,9%.

Năm nay, sự phục hồi kinh tế có sự khác biệt rõ rệt. Mức độ tiếp cận vắc xin phòng ngừa COVID-19 được những tổ chức liên chính phủ như WB và IMF cho là nguyên nhân phân hóa sự phục hồi kinh tế thế giới thành hai khối: những nước có kỳ vọng bình thường hóa hoạt động kinh tế sớm hơn vào cuối năm nay (hầu hết các nền kinh tế phát triển) và những nước còn phải ưu tiên chính sách đối phó với làn sóng lây nhiễm mạnh và tử vong cao.

Về trung bình, nền kinh tế toàn cầu năm 2021 được WB dự báo sẽ tăng trưởng 6,0%, trong khi IMF dự báo thấp hơn một chút ở mức 5,6%.

Tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam

Riêng đối với Việt Nam năm 2021, trong các cập nhật dự báo kinh tế mới nhất, mức tăng trưởng kinh tế được IMF giữ vững ở mức cao 6,5% so với báo cáo hồi tháng Tư của Tổ chức này. Mức dự báo này cao hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2020 – 2,9%, mức thấp nhất kể từ sau năm 1986.

Cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2021  - Ảnh 1

Một báo cáo của KPMG hồi tháng 3.2021 về vấn đề Đầu tư vào Việt Nam nêu rõ: năm 2017, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp 40% GDP của Việt Nam. Năm 2019, tổng vốn ngoại đăng ký là 17 tỷ USD, trong đó lĩnh vực sản xuất chiếm 72%. Do đó, để đạt được mức tăng trưởng như dự báo, Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức của dịch bệnh và tận dụng được các lợi thế quốc gia riêng biệt để thu hút nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.

Các lợi thế riêng biệt để thu hút dòng vốn ngoại

“Đó không phải con số khó tin”, ông Warrick Cleine - Giám đốc Điều hành KMPG Việt Nam nói về mức tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% dựa trên phân tích của mình về những yếu tố sau:

Thứ nhất, trong nguyên năm 2020 và đầu năm 2021, Việt Nam áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới và truy vết nguồn lây tốt hơn hầu hết các quốc gia, kể cả các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc tham gia vào thương mại và sản xuất toàn cầu hơn hai thập kỷ trước.

Thứ ba, Việt Nam ít phụ thuộc vào du lịch hơn so với các nước láng giềng. Điều này có nghĩa là sự phục hồi kinh tế ít phụ thuộc hơn vào sự mở cửa lại đón khách du lịch.

Và cuối cùng, dân số trẻ của Việt Nam đang thúc đẩy nền kinh tế trong nước mạnh mẽ, trở thành lớp áo giáp chống lại sự suy thoái toàn cầu. “Ai cũng trẻ và kiếm được việc làm trong một lực lượng lao động cực kỳ hiệu quả”, ông Cleine lạc quan về yếu tố nhân khẩu học của Việt Nam.

Cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2021  - Ảnh 2

Cùng quan điểm với ông Cleine, nhà kinh tế trưởng Michael Kokalari tại Công ty đầu tư VinaCapital cũng cho rằng yếu tố nguồn nhân lực khiến năng lực sản xuất của Việt Nam cạnh tranh hơn hẳn các nước láng giềng Đông Nam Á. Chẳng hạn, tiền lương ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với ở Thái Lan, còn lực lượng lao động già đi là thách thức mà Malaysia phải đối mặt, trong khi ông nhận thấy người Việt Nam làm việc rất chăm chỉ.

Kokalari cho biết Việt Nam cũng có thể tăng nguồn lao động giá rẻ từ lĩnh vực nông nghiệp, vốn chiếm khoảng 45% tổng số lao động. “Chỉ cần lao động sẵn sàng chuyển từ đồng ruộng sang nhà máy trong vòng 10 năm tới có nghĩa là Việt Nam có rất nhiều công nhân biết chữ, vì tỷ lệ biết chữ của Việt Nam là 95%”.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia thu hút được một thế hệ mới các nhà sản xuất nước ngoài.

Xu hướng này bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước, khi các nhà máy may mặc và giày tiêu chuẩn thấp (low-end) bắt đầu tìm kiếm lực lượng gia công thay thế cho nguồn lao động tại Trung Quốc do chi phí tăng cao.

Ngày nay, kỳ vọng của Việt Nam là trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao, thu hút những gã khổng lồ công nghệ như Samsung và Apple. Những tập đoàn công nghệ lớn trước đại dịch từng cho rằng họ có chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả và an toàn, nhưng khi đại dịch làm nổi bật nguy cơ khi phải phụ thuộc quá nhiều vào một số nhà cung cấp chính. Từ đó, họ có nguyện vọng tìm một quốc gia an toàn hơn để chia sẻ rủi ro tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, sở thích của người tiêu dùng ở Mỹ cũng bắt đầu thay đổi, ít ưa chuộng các sản phẩm “Made in China” hơn. Chính điều này kết hợp với nhu cầu dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất đã thúc đẩy nhanh hơn xu hướng đầu tư sản xuất ở các thị trường tiềm năng như Việt Nam, theo ông Michael Kokalari.

Những lĩnh vực ưu thế tăng trưởng ngay trong đại dịch

Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, với thu nhập ngày càng tăng, đang thúc đẩy tiêu dùng nội địa ở Việt Nam. Theo ông Shannon Leahy, ủy viên Ủy ban Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade), thị trường tiêu dùng của Việt Nam là một điểm sáng cho các nhà đầu tư, lưu ý rằng quốc gia này có một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trong khu vực.

“Đại dịch đã thúc đẩy xu hướng đột phá công nghệ ở Việt Nam, tạo cơ hội cho các công ty digitech và healthtech của Úc”.

Tương tự, các ngân hàng của Việt Nam đang đón nhận những người chơi fintech mới nổi, trong khi trong lĩnh vực y tế, mạng lưới bệnh viện tư nhân trên toàn quốc đang có bước nhảy vọt về công nghệ, với việc quản lý dữ liệu đi từ lưu trữ giấy tờ lên điện toán đám mây (cloud computing).

Tin Cùng Chuyên Mục