Cơ nghiệp nghìn tỷ của gia đình Minh Nhựa đằng sau dàn siêu xe khủng

Quỳnh Chi

Không chỉ nổi tiếng với dàn “xế hộp” khủng, Minh Nhựa cũng đang tham gia điều hành công ty gia đình với chức vụ Phó tổng giám đốc.

Là một tay chơi khét tiếng trong làng siêu xe, Minh Nhựa còn được chú ý với xuất thân là thiếu gia của doanh nghiệp nhựa có thâm niên – Nhựa Long Thành.

Công ty TNHH Nhựa Long Thành  được thành lập từ những năm 90, do doanh nhân là ông Phạm Văn Mười, cha đẻ của Minh Nhựa sáng lập. Với số vốn ban đầu chỉ 2 tỷ đồng, đến nay quy mô Nhựa Long Thành đã tăng cao gấp hàng trăm lần. Trong đó, gia đình Minh Nhựa sở hữu 100% vốn, gồm ông Phạm Văn Mười dưới cương vị Tổng giám đốc đang nắm giữ 43,67% vốn; vợ là bà Trần Thị Bạch nắm giữ 33,89% cổ phần; Minh Nhựa nắm giữ 19% cổ phần.

Nhà máy Nhựa Long Thành. Nguồn: Long Thành Plastic
Nhà máy Nhựa Long Thành. Nguồn: Long Thành Plastic

Minh Nhựa cũng chính là con trai duy nhất của ông Phạm Văn Mười và là người kế thừa để phát triển doanh nghiệp. Hiện Minh Nhựa tham gia điều hành công ty gia đình với chức vụ Phó tổng giám đốc.

Công ty đang có 4 chi nhánh tại các thành phố lớn, từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đến Cần Thơ. Nhựa Long Thành hiện cũng sở hữu nhà máy sản xuất cùng tên đặt tại quận Bình Tân, TP HCM.

Hiện, sản phẩm chính của Nhựa Long Thành là nhựa công nghiệp kỹ thuật cao như pallet (dùng để di chuyển hàng hoá, đóng hàng xuất khẩu), sóng nhựa (đựng thực phẩm, thủy hải sản, rau củ quả), két nhựa (két bia, nước ngọt), thùng rác công nghiệp, nhựa gia dụng, bao bì dược phẩm, bao bì mỹ phẩm, bao bì dầu nhờn...

Đối tác khách hàng của Nhựa Long Thành được biết đến là các đại gia trong ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống (F&B) như Heineken, Tiger, Sapporo, Cocacola, Pepsi, Masan, Vinamilk, Nestle, Carlsberg, Habeco, Sabeco, Aquafina...

Bức tranh lợi nhuận

Về kinh doanh, theo thông tin của Doanhnhan.vn, năm 2016 doanh thu Nhựa Long Thành thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này liên tục giảm sút những năm sau đó: năm 2017 giảm xuống còn 969 tỷ đồng, năm 2018 tiếp tục giảm về 854 tỷ đồng. Tương ứng, lợi nhuận cũng điều chỉnh từ mức 115 tỷ vào năm 2015 xuống còn 66 tỷ đồng đến cuối năm 2018.

Cũng trong năm này, Nhựa Long Thành mở chi nhánh tại Mỹ và đưa sản phẩm tiêu thụ ra trường thế giới. Bước sang năm 2019, tình hình kinh doanh có sự khởi sắc đáng kể.

Doanh thu của Nhựa Long Thành đạt 883 tỷ đồng, tăng 3,4% so với 2018. Vượt bậc hơn, lợi nhuận sau thuế đạt 95 tỷ đồng, tăng hơn 79%. Tổng tài sản của công ty cũng tăng gần 100 tỷ, lên mức 881 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019.

Cơ nghiệp nghìn tỷ của gia đình Minh Nhựa đằng sau dàn siêu xe khủng - Ảnh 1

Tuyên ngôn "không đi vay"

Đặt trong phép so sánh với các tên tuổi khác trong ngành, quy mô của Nhựa Long Thành vẫn còn khá khiêm tốn.

Những “ông lớn” hiện đã niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (Mã CK: BMP) năm 2019 đạt đến 4.337 tỷ doanh thu – tức gấp gần 5 lần con số của Nhựa Long Thành. Hay Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã CK: NTP) cũng thu về hơn 4.760 tỷ đồng doanh thu trong năm qua.

Đặc biệt, Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (Mã CK: AAA) những năm gần đây liên tục tăng trưởng mạnh, cuối năm 2019 doanh thu đã ở mức 9.258 tỷ đồng – cao hơn 10 lần so với doanh thu Nhựa Long Thành…

Cơ nghiệp nghìn tỷ của gia đình Minh Nhựa đằng sau dàn siêu xe khủng - Ảnh 2

Tuy nhiên, bức tranh tài chính của Nhựa Long Thành đang cho thấy sự ổn định nhất định. Được báo giới nhắc đến nhiều với phát ngôn “không vay của ai một đồng bạc”, tỷ lệ nợ phải trả thực tế của Nhựa Long Thành những năm gần đây luôn ở mức rất thấp, với khoảng 7% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhựa khác đang sử dụng đòn bẩy ở mức 50% vốn.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nhựa Long Thành đạt hơn 881 tỷ đồng, riêng vốn chủ đã chiếm ở mức 819,5 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Tin Cùng Chuyên Mục