Cổ phần hóa và nhóm lợi ích

Từ Tâm

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có kết luận những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.

Cổ phần hóa và nhóm lợi ích - Ảnh 1
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được cho là đã tìm cách thâu tóm cổ phiếu tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang để sở hữu khối tài sản lớn

Theo đó, trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004 - 5/2010), bà Hồ Thị Kim Thoa đã có các vi phạm, khuyết điểm như vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp, thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai, mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định...

Ai cũng biết, CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là quy luật tất yếu. Cứ nhìn lỗ lãi, các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” ở các “ông lớn” DNNN như Vinashin, Vianlines trước đây và PVN, Vinachem... hiện nay thì thấy rõ điều đó.

Không thể phủ nhận, việc tiến hành CPH từ thí điểm đến được đẩy mạnh hàng chục năm qua đã đạt được những kết quả không phải là nhỏ. Tuy nhiên, CPH đang hết sức hổng tạo cơ hội cho một nhóm người giàu bất thường. Lâu nay dư luận xôn xao chuyện một số tài sản Nhà nước bị thất thoát qua quá trình CPH tại một số tổng công ty và tập đoàn, và họ cũng kháo rằng, đang có một số người trở nên giàu rất nhanh, đặc biệt từ sau khi CPH DNNN.

Chính việc mua bán không minh bạch đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước nghiêm trọng, từ sản nhà nước tại các DNNN sau CPH rơi vào “túi” cá nhân một cách “ngoạn mục”. Một “bộ phận không nhỏ” nắm được thông tin, làm chủ thông tin sở hữu cổ phiếu giá mềm hơn và trở nên giàu có. 

Ở đây xuất hiện “nhóm lợi ích”. Nhóm lợi ích có thể làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc làm việc với nhà đầu tư trong nước. Sau đó họ mới chuyển hóa cho nhà đầu tư nước ngoài qua đấu giá. Do đó, đối với CPH phải đẩy mạnh niêm yết chứng khoán, minh bạch thông tin. Đẩy giá lên theo đúng gia thị trường. Sau khi niêm yết, minh bạch thông tin thì tổ chức đấu giá công khai cho các nhà đầu tư tham gia. Hạn chế việc rút bán thỏa thuận, Nhà nước dễ thất thu. Câu chuyện bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa “vi phạm nghiêm trọng” trong mua CP Công ty Bóng đèn Điện Quang là ví dụ và là bài học mới nhất.

Không phải tự nhiên, tháng 2/2017 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện CPH DNNN.

Có thể kỷ luật được một người nhưng tài sản Nhà nước thì đã mất. Đó là việc đau lòng.

Tin Cùng Chuyên Mục