Cổ phiếu BII nổi sóng, có hay không chuyện “mở cửa sau” cho hệ sinh thái Louis lên sàn?

Quỳnh Chi

Trong quá khứ, cổ phiếu BII cũng đã từng đưa nhà đầu tư đi “tàu lượn” khi tăng sốc giảm sâu đầy khốc liệt.

Thị trường chứng khoán thăng hoa thời gian gần đây kéo theo không ít cổ phiếu bất ngờ dậy sóng trong đó BII của Công ty cổ phần Louis Holdings (tên cũ là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư) là một cái tên nổi bật.

Cổ phiếu này bắt đầu manh nha nổi dậy từ đầu tháng 9 ngăm ngoái từ vùng giá chưa đến 1.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, BII chỉ thực sự gây chú ý kể từ trung tuần tháng 12/2020 với một loạt phiên tăng trần liên tiếp cùng thanh khoản đột biến. Cổ phiếu này chỉ mất chưa đầy 1 tháng để tăng gấp 3,6 lần lên mức 5.500 đồng/cổ phiếu.

Không dừng lại ở đó, BII vẫn tiếp tục đi lên tuy nhiên con đường đã trở nên xóc hơn rất nhiều với những phiên tăng sốc giảm sâu đan xen. Cổ phiếu này đạt đỉnh nhiều năm vào giữa tháng 4/2021 tại mức giá 11.200 đồng/cổ phiếu, gấp 7,5 lần so với thời điểm 4 tháng trước đó.

Sau khi đạt đỉnh, BII quay xe điều chỉnh khá nhanh qua đó bước vào xu hướng giảm kéo dài hơn 2 tháng qua mà chưa thể bứt ra khỏi. Hiện cổ phiếu này đang dừng ở mức 7.400 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 34% so với đỉnh nhưng vẫn cao gấp đôi thời điểm đầu năm 2021.

Cổ phiếu BII nổi sóng, có hay không chuyện “mở cửa sau” cho hệ sinh thái Louis lên sàn? - Ảnh 1

Trên thực tế, điệp khúc tăng sốc giảm sâu không còn là điều xa lạ đối với BII. Trong quá khứ, cổ phiếu này cũng đã từng đưa nhà đầu tư đi “tàu lượn” trong giai đoạn từ tháng 10/2015 đến cuối tháng 10/2016. Thời điểm đó, BII cũng tạo ra cơn sốt trên sàn chứng khoán khi có nhịp tăng mạnh kéo dài hơn 10 tháng qua đó tăng gấp 3 lần lên đạt đỉnh lịch sử hơn 22.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, đây không phải là điều khiến nhà đầu tư nhớ nhất về cổ phiếu này mà chuỗi 21 phiên nằm sàn liên tiếp sau đó mới thực sự gây ngỡ ngàng. Từ vùng đỉnh, BII rơi tự do xuống dưới 3.000 đồng/cổ phiếu và gần như duy trì thị giá không bằng “cốc trà đá” trong suốt những năm qua.

Sự sụp đổ trong quá khứ khiến giới đầu tư đặt rất nhiều dấu hỏi lớn trước đợt sóng vừa qua bởi thực tế kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này tuy có sự cải thiện nhưng chưa thực sự bứt phá rõ rệt. Năm 2019, BII báo lỗ hơn 100 tỷ, đến năm 2020, lợi nhuận dù phục hồi cũng chỉ vỏn vẹn chưa tới 15 tỷ đồng.

“Bình cũ rượu mới”

Câu chuyện có lẽ không đơn giản chỉ nằm ở bức tranh kinh doanh mà có thể sâu xa hơn có thể liên quan đến hoạt động niêm yết cửa sau của “Hệ sinh thái Louis”

Đầu tháng 2, Hội đồng quản trị BII đã trình việc đổi tên công ty từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư thành Công ty cổ phần Louis Holdings, tên viết tắt Louis Holdings. Đồng thời, Công ty chuyển đổi trụ sở hiện tại từ thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, về TP.HCM.

Tiền tố "Louis" trong tên gọi mới của BII, cũng đồng thời xuất hiện ở tên một doanh nghiệp gần đây liên tục song hành với BII là Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu Louis Rice (Louis Rice) đã phần nào cho thấy mối liên quan mật thiết giữa hai doanh nghiệp này.

Louis Rice được thành lập vào tháng 6/2012, hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo. Lĩnh vực hoạt động có phần tương đồng với Golden Resource - doanh nghiệp đã được BII thâu tóm trước đó. Đến cuối tháng 11/2020, Louis Rice có vốn điều lệ 465,76 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố. Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Ngọc Long (SN 1985).

Đầu năm 2021, BII đã thông qua việc thoái toàn bộ 76,19% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Công nghiệp Gỗ Bình Thuận - đơn vị mới được công ty góp vốn thành lập vào cuối năm 2020. Nguyên nhân được đưa ra là do nguồn đầu tư không khả thi và chiếm dụng vốn cao. Và bên nhận chuyển nhượng là Louis Rice.

Ngoài ra, BII cũng chuyển nhượng cho Louis Rice quyền sử dụng lô đất rộng 44.587 m2 tại phường Bình Tân, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Lô đất này được Bidico sử dụng làm cảng trung tải Lagi phục vụ mảng logistics.

Trong động thái mới nhất, ông Đỗ Thành Nhân, từng là thành viên HĐQT và cổ đông lớn nhất tại BII, vừa thông báo đã bán 6,3 triệu cổ phiếu vào ngày 11/6. Giao dịch giảm sở hữu của ông Nhân tại BII xuống còn 1,65 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,87%. Đồng thời ông cũng mới bị miễn nhiệm thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 10/6.

Hội đồng quản trị BII tiếp tục đề xuất và được thông qua việc thay đổi tên công ty từ Louis Holdings thành Công ty cổ phần Louis Real Estate. Với động thái này, có thể BII sẽ trở thành một công ty phụ trách mảng bất động sản cho Louis Rice.

Tại phiên họp thường niên 2021 mới tổ chức, ban lãnh đạo BII cũng khẳng định điều này khi cho biết, định hướng công ty sẽ chuyển sang mảng bất động sản (BĐS). Mảng nông nghiệp và năng lượng vẫn tạm thực hiện ở BII, khi BĐS đã trở thành chủ lực thì BII sẽ rút khỏi.

Tin Cùng Chuyên Mục