Còn dư địa tăng GDP trong nửa cuối năm?

Ngọc Mai

(Doanhnhan.vn) - Dù chỉ tăng 1,81% nhưng GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng trong khi nhiều quốc gia tăng trưởng âm, nửa cuối năm vẫn còn dư địa lớn để tiếp tục tăng trưởng.

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong một thập kỷ qua.

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Theo cơ quan thống kê, trong khi dịch Covid-19 khiến cho nền kinh tế toàn cầu suy giảm, tăng trưởng âm, thì Việt Nam dù sụt giảm tốc độ nhưng vẫn là một điểm sáng.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê cho rằng, quý II chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19 khi các giải pháp nhằm cách xã hội áp dụng. Theo bà, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm ở mức âm 4,9%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) còn dự báo, nếu Covid-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu có thể giảm âm 7,6%.

Bình luận về mức tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, Việt Nam không phải là nước chịu tác động tiêu cực nhất bởi đại dịch.

Còn dư địa tăng GDP trong nửa cuối năm? - Ảnh 1
“GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, như vậy, so với quốc tế chúng ta vẫn có điểm sáng”, ông Dương Mạnh Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, tăng trưởng của nửa đầu năm thấp hơn ngoài dự đoán và thấp hơn cả kịch bản thấp nhất mà cơ quan thống kê đưa ra do dịch Covid-19 diễn ra trong tháng 4/2020. Điều này sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,8% bị ảnh hưởng nặng.

Theo ông, nếu năm 2020 muốn giữ tăng trưởng ở mức 6,8%/năm thì tăng trưởng kinh tế trong 2 quý sắp tới sẽ phải đạt trên 10%/quý. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả thi bởi tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, thương mại toàn cầu đang rất khó khăn. Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 2020 và hiện chưa được thông qua. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia ông Hùng cũng nhấn mạnh, Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng ở đầu tư công.

Làm rõ vấn đề đẩy mạnh giải ngân đầu công, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho biết, hoạt động này sẽ kích cầu nền kinh tế, tăng trưởng giá trị sản xuất. Nếu đầu tư công tăng 1% thì sẽ đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP và kéo theo ngành xây dựng tăng 1,34 điểm phần trăm. Nếu hoàn thành việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng vốn từ ngân sách 6 tháng đầu năm cao nhất trong 5 năm qua, đạt 273.500 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư công chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho phát triển, là vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác.

Tuy nhiên, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fullbright cảnh báo, không nên kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đột phá trong 6 tháng cuối năm. Bởi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ suy thoái. Các điều kiện dịch bệnh vẫn tăng trên toàn thế giới. Khi dịch bệnh chưa giảm, khủng hoảng y tế vẫn là “mồi lửa” cho khủng hoảng kinh tế.

Trong điều kiện các tâm điểm dịch bệnh lan truyền ở nhiều nước, thương mại toàn cầu vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề. Khi chưa có vắc xin, các nước vẫn thận trọng, đóng cửa biên giới, hạn chế việc mở rộng đầu tư. Nền kinh tế thế giới suy thoái sâu hoặc chờ đợi im lìm. Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ khó tăng trưởng mạnh trở lại”, ông Tự Anh dự đoán.

Tin Cùng Chuyên Mục