"Con nợ" dùng chiêu trò để ngân hàng miễn lãi

Quỳnh Chi

Các nhà băng nêu tình huống các con nợ có nhiều chiêu trò để gây khó khăn chậm lại quá trình xử lý nợ, từ đó, buộc các ngân hàng phải xuống nước, miễn lãi...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu tại diễn đàn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu tại diễn đàn.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 được tổ chức ngày 30/9, ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT VietinBank, chia sẻ các ngân hàng khi phát sinh nợ xấu, đi thu hồi nợ không có sự hợp tác của khách hàng sẽ rất khó khăn.

Sau khi có Nghị quyết 42 bảo vệ quyền chủ nợ tốt hơn, thuận lợi cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu, tuy nhiên khi đi đòi nợ cũng có những trường hợp phát sinh.  Ví dụ, khi tranh chấp mà khách không hợp tác thì ngân hàng thường kiện ra tòa, song lại gặp vô vàn khó khăn rắc rối. Các con nợ thường tạo tranh chấp mới để gây khó khăn chậm lại quá trình xử lý, để từ đó, buộc các ngân hàng phải xuống nước, miễn lãi...

"Con nợ" dùng chiêu trò để ngân hàng miễn lãi - Ảnh 1

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu. Cụ thể, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản đảm bảo của một số tổ chức tín dụng còn khó khăn trong trường hợp các tài sản này liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Một số tổ chức vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu khi thực hiện quyền áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế khi xử lý tài sản này và nộp án phí theo quy định.

Một trong những vấn đề được các khách tham dự diễn đàn quan tâm là việc có cần một lộ trình hình thành mua bán nợ nói chung hay thì trường mua bán nợ xấu nói riêng tại Việt Nam?

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, về giải pháp xử lý, cần luật hóa Nghị quyết số 42 trở thành một bộ luật xử lý nợ xấu để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ, đặc biệt là tính cưỡng chế, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan để bộ luật có tính mạnh mẽ hơn.

Thành thị trường mua bán nợ thì không mới, do các ngân hàng và VAMC hay DATC đã mua bán nợ với nhau. Nhưng Việt Nam chưa có thị trường chính thống, mà chỉ có một số tổ chức tham gia vào nên chúng ta cần có thị trường mua bán nợ theo đúng nghĩa. Bộ Tài chính làm hơi chậm trong vấn đề này khi đã có quy định trong Nghị định 69 yêu cầu bộ nghiên cứu và thành lập thị trường mua bán nợ, cả nợ tốt và nợ xấu, chạy trên giao dịch điện tử chứ không phải một cái chợ hay siêu thị.

Một thị trường nợ sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ, và sau đó là hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển.

Ông Lực cho rằng một thị trường mua bán nợ sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, cả trong và ngoài nước, khi nhiều nhà đâu tư muốn mua nợ nhưng không biết chỗ. Một thị trường mua bán nợ như vậy sẽ cung cấp thông tin công khai minh bạch cho các nhà đầu tư.

Ông Đỗ Giang Nam, Phó Giám đốc Công ty Quản lý tài sản VAMC chia sẻ rằng hoạt động bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân, không phải chỉ là VAMC. Phương pháp bán nợ được thực hiện công khai minh bạch sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan…

Theo ông Nam, điều quan trọng nhất của biện pháp này là tạo được hành lang pháp lý nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua lại khoản nợ xấu và trả lời được câu hỏi họ có thể làm gì với khoản nợ xấu.

Hầu hết các nhà đầu tư thực hiện mua bán nợ có thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp, và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp doanh phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, theo ông phương pháp mua bán nợ theo giá trị trường sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đối với việc xử lý nợ xấu tại VAMC nhưng đồng thời giúp huy động nguồn lực vào thụ trường mua bán nợ xấu, có ý nghĩa lớn với xã hội.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã giảm từ mức 2,46% năm 2016 xuống còn 1,89% trong hai năm 2018-2019 nhưng lại tăng lên mức 2,04% vào ngày 30/6/2020, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2016 là 2,46%, song đến đến cuối năm 2019 giả xuống còn 1,63%.

Tin Cùng Chuyên Mục