Công nghiệp ô tô Việt Nam mới sản xuất được săm lốp, gương kính

Khanh Vy

(Doanhnhan.vn) - Bên cạnh việc chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, giá bán xe ô tô trong nước vẫn cao so với các nước trong khu vực.

Trong báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp ô tô bước đầu khẳng định được vai trò, vị trí với thị trường ô tô trong nước, hướng tới thị trường khu vực khi có nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn.

Theo đó, nhiều dự án sản xuất, lắp ráp tô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực, như Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng; các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô du lịch thương hiệu Mazda, ô tô tải, ô tô bus của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco); các dự án mở rộng sản xuất ô tô du lịch và ô tô thương mại thương hiệu Hyundai của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công...

Một số thương hiệu xe Việt Nam như THACO đã xuất khẩu được sang Philippines, Thái Lan thông qua các lô xe Kia Motors. Sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước có phần cao hơn xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn. 

Công nghiệp ô tô Việt Nam mới sản xuất được săm lốp, gương kính - Ảnh 1

Bên cạnh những thành tựu đạt được, một trong những hạn chế lớn nhất mà Bộ Công Thương chỉ ra cho ngành công nghiệp ô tô đó là tỷ lệ hóa nội địa với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, sản phẩm được nội địa hóa còn mang hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…

Cùng với đó, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động, cũng như chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện quy mô lớn. Giá bán xe ô tô trong nước vẫn cao so với các nước trong khu vực.

Đề cập đến nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn phát triển chậm, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, các ngành công nghiệp của Việt Nam đi sau các nước trong khu vực từ 2 - 3 thế hệ.

Việt Nam cũng chưa có hệ sinh thái công nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho ngành ô tô phát triển, dung lượng thị trường đối với ngành ô tô còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất; dư địa can thiệp chính sách để phát triển ngành cơ khí, ô tô (đặc biệt là các yêu cầu về nội địa hóa, sử dụng sản phẩm trong nước) bị thu hẹp do các cam kết quốc tế.

Ngoài ra, trình độ doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực ngành ô tô còn thấp. Công tác nghiên cứu,  hỗ trợ chưa phát triển và chưa được các doanh nghiệp chủ động quan tâm; dẫn đến chưa tự chủ được vật liệu cơ bản cũng như linh phụ kiện đầu vào cho ngành công nghiệp ô tô…

Với những hạn chế như trên, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô trong nước, cân bằng giá thành để có thể cạnh tranh với ô tô nhập khẩu, từ đó duy trì phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục