Công ty cho nhân viên nghỉ việc vì dịch bệnh – luật quy định thế nào?

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đã cho công nhân viên nghỉ việc với lý do dịch bệnh. Việc làm này có đúng quy định của pháp luật không? Tư vấn của Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Một số doanh nghiệp tính đến giải pháp thay vì cho nhân viên tạm thời nghỉ việc, đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với người lao động. Pháp luật hoàn toàn cho phép các doanh nghiệp làm việc này với những yêu cầu, điều kiện liên quan.

Theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 thì: “Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác (địch họa, dịch bệnh...) mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”.

Công ty cho nhân viên nghỉ việc vì dịch bệnh – luật quy định thế nào? - Ảnh 1

“Lý do bất khả kháng” được Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Dịch bệnh Covid-19 là một lý do bất khả kháng như vậy.

Do đó, trong tình hình hiện nay, nếu doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất, không bán được sản phẩm, không có khả năng trả lương thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước theo mốc thời gian: Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Như vậy, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nhưng phải tuân thủ quy định về thời gian báo trước cho bên còn lại, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Tin Cùng Chuyên Mục