Công ty mẹ của Vinmart được quỹ đầu tư Singapore "rót" 500 triệu USD

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Thông cáo của GIC cũng nêu rõ: "Là một nhà đầu tư dài hạn, GIC tự tin vào tốc độ tăng trưởng của thu nhập khả dụng và tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam".

GIC - Quỹ đầu tư do Chính phủ Singapore quản lý vừa công bố đã "rót" 500 triệu USD vào CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM - công ty mới được thành lập hồi tháng 8/2019 để sở hữu 100% vốn Vincommerce,  đơn vị vận hành hệ thống 113 siêu thị Vinmart và hơn 1.900 cửa hàng Vinmart+.

GIC được thành lập từ năm 1981, quản lý danh mục 100 tỷ USD. Quỹ của Chính phủ Singapore không giới hạn khu vực hoạt động mà vươn dài cánh tay tới hơn 40 quốc gia trên thế giới. Tỷ trọng đầu tư lớn nhất của quỹ nằm tại Mỹ chiếm 34% cơ cấu tài sản, tiếp theo là châu Á chiếm 19%, châu Âu và Nhật Bản 12%.

Về cơ cấu cổ đông trước khi nhận đầu tư, VCM có vốn điều lệ 1 tỷ đồng do Phó Tổng giám đốc Vingroup Mai Hương Nội làm Chủ tịch HĐQT. Theo đăng ký, Vingroup sở hữu 64,3%, ông Bùi Xuân Toàn nắm 10,94% và ông Ngạc Văn Lượng giữ 3,63% tại VCM. Ông Lượng là cá nhân có nhiều giao dịch liên quan đến các công ty con của Vingroup. 

Công ty mẹ của Vinmart được quỹ đầu tư Singapore

Tiếp đó, Vingroup cũng thông báo sở hữu cổ phần VinCommerce qua VCM. Theo thông tin tại cổng đăng ký doanh nghiệp, VCM nâng vốn từ 1 tỷ đồng lên 6.437 tỷ đồng, tương ứng tăng 6.436 tỷ đồng (bằng đúng vốn điều lệ của của VinCommerce). VCM trở thành công ty mẹ sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+.

Tháng trước, Vingroup đã tách Vincommerce thành hai công ty mới là CTCP Đầu tư kinh doanh và Thương mại P&S và CTCP Phát triển thương mại dịch vụ Adayroi.

Adayroi là sàn thương mại điện tử với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Đầu tư kinh doanh và Thương mại P&S có vốn điều lệ 1.698 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Vincommerce trước khi tách Adayroi và Đầu tư kinh doanh và Thương mại P&S là 8.184 tỷ đồng, giảm xuống còn 6.436 tỷ đồng sau khi chia tách. Vingroup vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu tại 3 công ty trên là 64,3%. 

Thông cáo của GIC cũng nêu rõ: "Là một nhà đầu tư dài hạn, GIC tự tin vào tốc độ tăng trưởng của thu nhập khả dụng và tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam".

Không chỉ đầu tư vào Vingroup, GIC cũng đã từng rót vốn vào  hàng loạt "ông lớn" như Masan, Vietjet, Vinamilk, FOT, PAN Group. Trước giao dịch này, GIC đã đầu tư 853 triệu USD vào Vinhomes vào năm 2018 khi Vinhomes IPO.

Về phía Vingroup, Tập đoàn này cho biết họ đã huy động được 6,9 tỷ USD thông qua 15 giao dịch kể từ năm 2013 tới nay, bao gồm cả đầu tư cổ phần và vay vốn. 

Tháng 5/2019, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình là 113.000 đồng một cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch khoảng 23.300 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ Đô la Mỹ. Mức giá phát hành tương đương thị giá hiện tại của Vingroup.

Sau khi hoàn tất chào bán cổ phần, vốn điều lệ của Vingroup sẽ tăng lên gần 34.299 tỷ đồng và SK sẽ là cổ đông nước ngoài lớn nhất nắm giữ 6% vốn điều lệ của Vingroup.

Tin Cùng Chuyên Mục