Công ty tài chính chật vật minh oan

Phúc Vinh

Trải qua hơn 10 năm phát triển, cho vay tiêu dùng làm tốt vai trò kênh dẫn vốn cho người yếu thế khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sự tin tưởng của người dân đối với mô hình này đang bị giảm sút do tình trạng nhiều tổ chức cho vay “mượn” danh xưng công ty tài chính.

Công ty tài chính “dỏm” bủa vây

Mặc dù hiện chỉ có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động nhưng thực tế đang xuất hiện hàng loạt tổ chức cho vay tiêu dùng không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

Những tổ chức này thường sử dụng cụm từ mập mờ “công ty tài chính”, cũng thực hiện hoạt động cho vay, nhưng lại “mượn” tên tuổi của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống để dẫn dụ vay tiền, thu nợ bằng các hành vi thiếu chuẩn mực, gây hiểu lầm, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiêu dùng.

Thực trạng này đang lan rộng với các thủ đoạn hết sức tinh vi, gây bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và quản lý. Phổ biến nhất, các tổ chức mạo danh thường không xưng tên cụ thể mà mập mờ bằng cụm từ “công ty tài chính” vì đây là cụm từ phổ thông và uy tín mà người dân dễ liên tưởng về hoạt động cho vay tiêu dùng.

Vấn đề này cũng được nêu ra trong Hội thảo “Tài chính tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức vừa qua. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, trong 10 năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý thì không thay đổi nhiều nên đã trở thành một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động này. Các quy định pháp luật về cho vay tại Luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự,... gần như không có thay đổi, ngoại trừ quy định về lãi suất cho vay.

Thực tế, việc các công ty cho vay được cấp phép hoạt động theo luật doanh nghiệp bởi Sở kế hoạch đầu tư của các tỉnh, sử dụng cụm từ “công ty tài chính” không thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Dẫn đến việc người dân không thể phân biệt và lựa chọn tổ chức cho vay úy tín, các công ty tài chính chính thống khó thể tách biệt mình giữa “rừng” công ty tài chính “dỏm” và cũng không biết kêu ai để được “minh oan”.

Tín dụng đen “đục nước béo cò”

Nỗ lực để phân biệt mình với các công ty tài chính “dỏm” chưa đủ, các công ty tài chính chính thống còn phải gồng gánh trên vai những định kiến, hiểu lầm do tín dụng đen gây ra. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay việc mạo danh công ty tài chính đang trở thành thủ đoạn chính của các tổ chức hoạt động tín dụng đen “trá hình”. Chúng tinh vi hơn tín dụng đen truyền thống khi lựa chọn hoạt động “núp bóng” app cho vay, sử dụng logo có chữ công ty tài chính hoặc gắn chữ credit, thậm chí, ngang nhiên copy logo, tên thương hiệu và các nội dung quảng cáo của công ty tài chính chính thống.

Thực tế, các công ty tài chính lâu đời với lượng khách hàng lớn sẽ luôn là nạn nhân bị lợi dụng tên tuổi bởi sức ảnh hưởng và độ nhận biết thương hiệu. Đơn cử như FE CREDIT - công ty tài chính dẫn đầu thị phần với hơn 13 triệu khách hàng khắp cả nước, liên tục bị các tổ chức cho vay phi pháp, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” mạo danh thương hiệu để cho vay. Thậm chí, chỉ cần search từ khóa “FE CREDIT” sẽ xuất hiện hàng trăm tài khoản Facebook, website giả mạo thương hiệu này, khiến người dân có ý định vay tiền “đau đầu” vì không phân biệt nổi thật – giả.

Bên cạnh việc cho vay, các tổ chức mạo danh còn thường xuyên xưng tên công ty tài chính khi đòi nợ người vay, “mượn” uy tín của các thương hiệu cho vay tiêu dùng lớn để tạo sức ép, bắt người vay trả nợ. Nếu người vay chậm trả hoặc mất khả năng thanh toán, chúng sẽ khủng bố điện thoại, bôi nhọ danh dự, thậm chí, khủng bố cả những người không liên quan.

Nhiều đối tượng mạo danh công ty tài chính để đòi nợ (Ảnh minh họa: nguồn internet)
Nhiều đối tượng mạo danh công ty tài chính để đòi nợ (Ảnh minh họa: nguồn internet)

Vừa qua, công ty tài chính FE CREDIT tiếp nhận nhiều khiếu nại về việc không vay nhưng bị nhắc nợ liên quan tới hợp đồng T.P.H. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận phản ánh, FE CREDIT đã thực hiện rà soát, đối chiếu, trực tiếp xử lý từng khiếu nại, thì thực tế, tất cả các số điện thoại gọi đòi nợ đều không thuộc FE CREDIT. Ngoài ra, khách hàng T.P.H nêu trên cũng không có khoản vay nào tại FE CREDIT nhưng lại có khoản vay tại các công ty cho vay khác.

Cũng theo thông tin từ phía FE CREDIT, không chỉ mạo danh FE CREDIT để đi đòi nợ, một số nhân viên thu hồi nợ của các tổ chức cho vay khác sử dụng đúng tên công ty họ nhưng khi khách hàng hỏi địa chỉ để tới gặp trực tiếp thì những nhân viên này cung cấp địa chỉ văn phòng của FE CREDIT. Với nhiều thông tin gây nhiễu, thật giả lẫn lộn, khó tránh khỏi việc khách hàng nhầm lẫn, đánh đồng. Thậm chí nhiều người dân mặc định các hành vi đòi nợ khủng bố đều do FE CREDIT. Những sự việc lặp lại liên tục khiến công ty tài chính này không biết phải gõ cửa cơ quan chức năng nào mà chỉ có thể giải quyết từng trường hợp cho khách hàng.

Một thực trạng khác, biết rõ nhiều khách hàng có khoản vay ở nhiều tổ chức và công ty tài chính, các tổ chức tín dụng đen hoặc các app cho vay liên hệ đòi nợ bằng cách xưng danh công ty tài chính để mang pháp luật ra hù dọa. Nhưng ngay khi khách hàng có ý định trả nợ, chúng chuyển hướng yêu cầu họ thanh toán cho app vay trước thay vì trả nợ công ty tài chính.

Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện FE CREDIT cho biết: “Là công ty tài chính hoạt động dưới sự kiểm soát của NHNN và luôn tuân thủ pháp luật, FE CREDIT không thể làm các hành động phi pháp, bất chấp pháp luật để thu hồi nợ, do đó, với thực trạng mạo danh hiện nay, hoạt động thu hồi nợ của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng điều đáng lo ngại nhất, là những hiểu lầm khiến người dân dần mất niềm tin vào công ty tài chính. Đó cũng là mục đích của tín dụng đen, để người dân khi có nhu cầu vay sẽ chỉ còn lựa chọn vay tín dụng đen, từ đó khiến các app cho vay ko chính thống càng có đất để hoành hành.”

Tin Cùng Chuyên Mục