Cuộc chạy đua công nghệ vũ trụ: EU lên kế hoạch chi 6,8 tỷ USD để bắt kịp SpaceX của Elon Musk

Như Quỳnh

Với lợi thế tự sản xuất được tên lửa đẩy, SpaceX của Elon Musk hiện đang thống trị hệ thống vệ tinh tầm thấp với 2.000 vệ tinh tạo nên hệ thống Starlink.

Liên minh châu Âu vừa tiết lộ kế hoạch chi tiết về một hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp trị giá hàng tỷ USD nhằm cung cấp thông tin liên lạc an toàn cho khối.

Dự án sẽ tiêu tốn khoảng 6 tỷ euro (khoảng 6,8 tỷ USD) từ cả nguồn vốn công và tư nhân. Ủy ban châu Âu dự kiến ​​chi 2,4 tỷ euro từ ngân sách riêng, trong khi phần còn lại sẽ đến từ các nước EU và các công ty tư nhân trong ngành vũ trụ.

Ủy viên thị trường Nội bộ Thierry Breton là người thúc đẩy EU thông qua dự án trong hơn một năm qua. Vào ngày 14/2, ông nói với đài truyền hình Pháp BFM rằng việc châu Âu có hệ thống vệ tinh riêng là "cốt yếu". 

Hệ thống vệ tinh tầm thấp được kỳ vọng giúp nâng cấp hệ thống thông tin truyền thông trên toàn cầu. Ảnh: X2nSat
Hệ thống vệ tinh tầm thấp được kỳ vọng giúp nâng cấp hệ thống thông tin truyền thông trên toàn cầu. Ảnh: X2nSat

Ủy viên Breton nhấn mạnh các kế hoạch không gian sẽ giúp tăng cường an ninh mạng và khả năng phục hồi các nước EU, đồng thời đảm bảo truy cập băng thông rộng tốt hơn trên khắp châu Âu và châu Phi.

"Dự án là trung tâm trong chiến lược bảo vệ chủ quyền và kỹ thuật của châu Âu", ông Breton tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 15. 

EU đang bước vào một cuộc đua toàn cầu khốc liệt để phủ sóng trái đất với chuỗi vệ tinh quỹ đạo thấp. Các vệ tinh này gần với Trái đất hơn nhiều so với các loại vệ tinh truyền thông dùng để chiếu TV và liên lạc từ xa. 

Vệ tinh tầm thấp đồng nghĩa với việc người dùng được kết nối với băng thông rộng và nhanh hơn. Điểm trừ của vệ tinh tầm thấp là chúng không hoạt động được lâu và cần phóng với số lượng lớn để đạt được phạm vi bao phủ tương đương vệ tinh truyền thống. Chưa dừng lại ở đó, vệ tinh tầm thấp cũng làm dấy lên lo ngại về va chạm do số lượng và mật độ vệ tinh trên quỹ đạo đang tăng với tốc độ chóng mặt. 

Đơn vị thống trị hệ thống vệ tinh tầm thấp hiện tại là SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Công ty đã phóng khoảng 2.000 vệ tinh nhằm tạo nên hệ thống Starlink, giúp cung cấp băng thông rộng cho người dùng ở những vùng hẻo lánh nhất.

Tên lửa đẩy Falcon 9 là niềm tự hào của SpaceX. Ảnh: NASA. 
Tên lửa đẩy Falcon 9 là niềm tự hào của SpaceX. Ảnh: NASA. 

SpaceX có lợi thế khi sử dụng tên lửa đẩy tự sản xuất và hiện đang là một trong những công ty tư nhân giá trị nhất thế giới. Đối thủ với Musk - nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cũng đang lên kế hoạch cho một hệ thống tương tự có tên là Project Kuiper. 

Châu Âu hiện chỉ có công ty khởi nghiệp OneWeb là đủ tầm cạnh tranh với SpaceX. Công ty hiện đã được Chính phủ Vương quốc Anh mua lại sau khi phá sản do đại dịch Covid-19. 

Vương quốc Anh hiện đang hợp tác với tập đoàn Bharti Global (Ấn Độ), SoftBank Group (Nhật Bản) và nhà điều hành vệ tinh Eutelsat SA (Pháp) để phóng 648 vệ tinh vào quỹ đạo.

Tin Cùng Chuyên Mục