Cuộc chiến của các đối thủ mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á: khốc liệt và khó có hồi kết

Linh Nga

Chuyên gia nhận định, việc đưa ra khuyến mại, chiết khấu có nhiều hạn chế đối với các công ty giao đồ ăn nhưng giá vẫn là một yếu tố giúp họ cạnh tranh trên thị trường.

Theo Tech in Asia, những điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn và áp lực phải có lãi đã khiến nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực giao đồ ăn phải thay đổi cách tiếp cận trong một năm trở lại đây.

Grab, GoTo, Foodpanda và Shopee đều đã cắt giảm các hình thức khuyến mãi - phương thức giúp các đơn vị này thúc đẩy tăng trưởng. Thay vào đó, giờ đây, các đơn vị này hiện mở rộng nguồn doanh thu bằng hình thức kinh doanh mới như quảng cáo hay đăng ký sử dụng dịch vụ. Động thái này được kỳ vọng có thể thúc đẩy lợi nhuận. 

Cuộc chiến của các đối thủ mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á: khốc liệt và khó có hồi kết - Ảnh 1

Câu hỏi đặt ra là liệu tập trung vào phương thức mới này có thực sự bền vững hay không, đặc biệt là khi Grab đã và đang khẳng định được vị trí số một. Ở cùng thời điểm, cuộc chiến cho vị trí số hai trên thị trường có xu hướng tập trung quanh hai cái tên lớn. 

Nailul Huda, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Indef có trụ sở tại Indonesia, nhận định: “Việc đưa ra khuyến mại, chiết khấu có nhiều hạn chế đối với các công ty giao đồ ăn nhưng giá vẫn là một yếu tố giúp họ cạnh tranh trên thị trường”.

Ngoài ra, ngành công nghiệp giao đồ ăn cũng đang tăng trưởng chậm lại vào năm ngoái sau khi đại dịch dần qua đi và người dùng bắt đầu ăn uống bên ngoài trở lại.

Tổng giá trị hàng hóa giao dịch mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á từ năm 2018 đến 2022 (đơn vị: tỷ USD)
Tổng giá trị hàng hóa giao dịch mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á từ năm 2018 đến 2022 (đơn vị: tỷ USD)

Theo một báo cáo của Momentum Works, tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) của mảng này chỉ tăng 5% so với năm trước 2021, lên mức 16,3 tỷ USD.

Hiện Grab đang dẫn đầu tại 6 thị trường lớn trong khu vực, số cái tên khác cũng nỗ lực để củng cố vị trí đối thủ lớn nhất của Grab tại mỗi thị trường như GoFood (GoTo) tại Indonesia, ShopeeFood tại Việt Nam và Foodpanda tại Singapore, Philippines và Malaysia.

Giảm bớt khuyến mãi, gia tăng nhiều tính năng

Giao đồ ăn là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận thấp, trong đó lợi nhuận có thể đạt được thông qua khối lượng giao đồ ăn, mật độ dân số và tối ưu vận hành. Đây là lý do nhiều công ty giao đồ ăn trong khu vực đang thay đổi chiến lược khuyến mại với khách hàng.

GoTo và Foodpanda thậm chí cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí. Việc mở rộng các nguồn doanh thu cũng là điều đáng chú ý để các công ty có thể gia tăng lợi nhuận nhanh hơn.

Đơn cử, tính năng quảng cáo giúp các nhà bán hàng quảng bá thương hiệu là một mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao. Các dịch vụ đăng ký trả phí như GrabUnlimited hay Pandapro (Foodpanda) sẽ giúp người dùng có thể dùng dịch vụ với chi phí thấp hơn trong khi đảm bảo dòng doanh thu ổn định.

Khách hàng trung thành thực tế là nhân tố chính để đạt đến lợi nhuận. Ví dụ, GoTo sử dụng thuật toán để đưa ra các gói ưu đãi cho nhóm khách hàng mới, phù hợp với tiềm năng ở mức độ cao nhất.

“Điều này giúp chúng tôi cải thiện mức độ trung thành của khách hàng và đảm bảo nhà bán hàng cũng có thể phát triển kinh doanh bền vững và ít dựa vào các ưu đãi của GoFood hơn”, người phát ngôn GoTo nói thêm.

Cuộc chiến của các đối thủ mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á: khốc liệt và khó có hồi kết - Ảnh 2

Mặt khác, bất chấp những áp lực về hiệu quả và lợi nhuận, ông Nailul Huda cho rằng, các công ty giao đồ ăn không thể dừng vấn đề cung cấp trợ giá.

Thay vào đó, họ có thể dùng dịch vụ giao đồ ăn để người dùng tăng sử dụng các dịch vụ khác trong hệ sinh thái. Ví dụ, GoFood có thể áp dụng ưu đãi cho các khách hàng thanh toán bằng GoPayLater.

Trong báo cáo kinh doanh quý IV/2022 của Grab, công ty này cho biết 2/3 người dùng, tăng lên từ 1/2 của năm 2020, đang dùng từ hai dịch vụ của nền tảng này trở lên. Điều này có nghĩa là Grab đang làm tốt việc giữ chân và tăng tương tác người dùng.

Cuộc chiến khốc liệt?

Mặc dù mảng giao đồ ăn có thể không có tốc độ tăng trưởng nhanh như trong thời kỳ đại dịch, nó vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục mở rộng. GMV của ngành sẽ đạt 24 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo e-Conomy SEA.

Không thể phủ nhận, các công ty trong ngành, đặc biệt là các công ty không ở top dẫn đầu thị trường sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể.

Ông Huda đánh giá, những công ty dẫn đầu đã có hệ sinh thái tốt sẽ có đà để theo đuổi lợi nhuận. Đơn cử như Grab với đội xe giao hàng, ví điện tử của riêng mình cùng với đó là số lượng đối tác thương mại lớn.

Ngay cả công ty lớn như ShopeeFood cũng gặp khó khăn, trong khi Traveloka của Indonesia đã đóng cửa dịch vụ giao đồ ăn vào năm ngoái.

Cùng lúc đó, AirAsia Food (hiện có mặt ở Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia) dường như vẫn đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các công ty dẫn đầu, kể cả ở quê nhà Malaysia.

Foodpanda cũng được đồn đoán là sẽ "chia tay" Thái Lan và bán các hoạt động của mình ở đó cho công ty địa phương là Line Man Wongnai. CEO Angele từ chối bình luận về thông tin trên. 

Indonesia - thị trường giao đồ ăn lớn nhất trong khu vực - cũng chứng kiến ​​GoFood cạnh tranh trực tiếp với GrabFood. GoTo dường như đang cố gắng hết sức để giành chiến thắng ở quê nhà, do thị phần nhỏ ở Việt Nam ở mảng này và chưa có mặt ở các quốc gia khác.

Cuộc chiến khốc liệt giữa những đối thủ top đầu sẽ khó có hồi kết bởi giao đồ ăn là một lĩnh vực quan trọng đối với cả hai. 

Tin Cùng Chuyên Mục