Cuộc chiến PNC bài 3: Vai trò quản lý của nhà nước ở đâu?

Ngọc Long

Tại Cty CP Văn hóa Phương Nam (PNC) có 15% vốn nhà nước, nhưng đại diện phần vốn này đã và đang làm gì trong cuộc nội chiến căng thẳng này?

Khoảng lặng đáng ngờ?

Liên quan đến buổi đại hội đồng cổ đông ngày 15/2/2017 mà nhiều cổ đông (CĐ) lớn phản đối, kiến nghị lên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và khởi kiện ra tòa đề nghị phong tỏa không cho HĐQT điều hành PNC bằng những quyết nghị ban hành được cho là pháp luật, thì đại diện 15% vốn nhà nước tại PNC là Tổng Cty TNHH MTV Công nghiệp in - bao bì Liksin bình thản im lặng.

Thực tế cho thấy, khoảng lặng đáng ngờ của Liksin trong PNC đã kéo dài nhiều năm nay. Năm 2015, khi PLVN phản ánh cuộc đấu tranh của CĐ với HĐQT xung quanh số vốn 20% của PNC trong liên doanh CJ-CGV VN có giá trị thặng dư cụ thể bao nhiêu? Ai đại diện cho PNC trong liên doanh để kinh doanh số vốn đó? Hiên tại và tương lai kinh doanh ra sao? Lời lỗ như thế nào? Lợi tức hàng năm chia được bao nhiêu…? nhưng Liksin vẫn không một ý kiến gì. Bởi vậy, UBND TP HCM có văn bản yêu cầu Liksin báo cáo, thế nhưng mọi việc đến nay vẫn như cũ, thậm chí khoảng lặng đó ngày càng đáng ngờ hơn.

Cụ thể, theo luật định và điều lệ PNC, Liksin dư điều kiện tham gia ứng cử HĐQT và BTGĐ, bởi Lksin sở hữu 15% vốn điều lệ trong nhiều năm tại PNC. Ngày 7/2/2017, Tổng Giám đốc Liksin Nguyễn Ngọc Minh Thy đóng dấu treo và ký tên trong một văn bản khá mập mờ; đó là Phiếu đề cử ứng viên gởi ĐHĐCĐ PNC, trong đó Liksin là CĐ sở hữu 1.661.352 cổ phiếu (15 %) và CĐ Phan Thị Lệ sở hữu 605.251 cổ phiếu (5,5%).

Hai CĐ này có quyền biểu quyết là 20,5%. Hai CĐ này thống nhất đề cử bà Phan Thị Lệ, ông Nguyễn Hữu Hoạt vào HĐQT cùng hai người khác vào BKS nhiệm kỳ 2017-2021. Câu hỏi đặt ra là Liksin dư đủ điều kiện sao không ứng cử? Trong khi đó, bà Lệ không đủ điều kiện lại tự đề cử và ứng cử (theo luật phải 10% trở lên). Phải chăng bà Lệ phải mượn 15% của Liksin để tự đề cử cho mình vào HĐQT? Liksin có cho mượn hay không? Mục đích đề cử là gì?

Một luật gia thuộc Hội Luật gia TP HCM bình luận: “Liksin từ bỏ quyền ứng cử của mình vào HĐQT PNC theo luật định để kiểm soát số vốn của mình tại PNC là thiếu tinh thần trách nhiệm. Bởi Liksin là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 15% vốn nhà nước trong PNC bị bỏ quên, PNC kinh doanh cho đến nay lỗ lũy kế mất gần 2/3 vốn thì lãnh đạo Liksin khó tránh khỏi hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề cử này, ông TGĐ đóng dấu ký tên vào phần vốn của Liksin cùng phần vốn bà Lệ, đề cử cho bà Lệ ứng cử HĐQT là mập mờ, gây nhiễu thông tin, đánh lạc hướng nhận thức của CĐ rằng: Liksin có ủy quyền cho bà Lệ quyền biểu quyết 15% vốn của mình hay không? Liksin cùng bà Lệ đề cử cho chính bà Lệ là vi phạm pháp luật bởi bà Lệ không đủ tiêu chuẩn theo luật định để ứng cử vào HĐQT. Gộp quyền biểu quyết của Liksin và bà Lệ để có 20,5% quyền biểu quyết thì Liksin cùng Chủ tịch HĐQT Phan Thị Lệ đã bất chấp pháp luật, qua mặt cổ đông tại ĐHĐCĐ ngày 15/2/2017...".

Kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc

Ngày 3/2/2017, Trưởng BKS Huỳnh Kim Đảnh trình ĐHĐCĐ thường niên lần 2 báo cáo của BKS. Trong đó, ông Đảnh cảnh báo HĐQT và Ban điều hành (BĐH) PNC: “... Đối với khoản nợ 7 triệu USD cần có hướng giải quyết sớm vì rủi ro chênh lệch tỷ giá rất cao và lành mạnh hóa tài chính công ty”.

Số nợ 7 triệu USD là PNC vay hay cầm cố thế chấp 20% vốn trong CGV VN? Quay lại thương vụ này trong quá khứ của PNC thì thấy Envoy là công ty con của Tập đoàn đa quốc gia CJ-CGV có trụ sở tại 434 Worldcupbuk-Ro, Mapo-Gu, Seoul, Korea (CJ-CGV). Envoy cùng PNC liên doanh tạo lập nên Megastar. Đến năm 2006, Envoy sở hữu 90% trong Megastar, nói cách khác, chính CJ-CGV sở hữu 90% trong Megastar.

10% còn lại thì sao? Một thương vụ tiếp theo khá ly kỳ là năm 2014, PNC ký hợp đồng vay của Cty Cross Junction Investment Pte.Ltd (CJI) có trụ sở tại Singapore 7 triệu USD. Hợp đồng này được hai bên ký kết vào ngày 13/6/2014. Tài sản thế chấp của PNC cho CJI là 10% còn lại trong Megastar. Trên website của Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch đảm bảo - Bộ Tư pháp cho thấy, tài sản thế chấp khoản vay 7 triệu USD là toàn bộ phần vốn góp 20% của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam trong Cty TNHH Truyền thông Megastar”.

CJI là ai? Tuy chính CJ-CGV đã giới thiệu CJI để PNC vay tiền rằng đây là “một công ty có trụ sở tại Singapore” và “hoàn toàn độc lập với CGV và Tập đoàn CJ Hàn Quốc”. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Kế toán và Quản lý

Doanh nghiệp của Chính phủ Singapore cung cấp thì CJI chỉ mới được lập ngày 21/3/2014 với số vốn điều lệ vẻn vẹn 50 USD. Cũng theo thông tin từ Chính phủ Singapore, CJIcó trụ sở ngay trên tầng 8 tòa nhà của CJ KOREA EXPRESS BUILDINGSINGAPORE. Chủ sở hữu của CJI cũng không ai khác, chính là CJ-CGV, có địa chỉ tại 434, WORLDCUPBUK-RO, MAPO-GU,SEOUL, KOREA. Tập đoàn CJ-CGV Hàn Quốc đang sở hữu toàn bộ 50 USD vốn điều lệ của CJI, tức là sở hữu 100% cty Singapore này. Như vậy, rõ ràng CJI là một công ty con do CJ-CGV lập ra, sở hữu và kiểm soát 100%, quyền lợi của hai công ty này là một.

Megastar nay là CGV VN? Câu trả lời đã quá rõ ràng. CGV VN chính là con thế hệ F2 của CJ-CGV Hàn quốc. Với hai khoản vay nói trên, CJ-CGV Hàn Quốc sở hữu toàn bộ CGV VN và họ nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư nước ngoài có 100% vốn trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa phẩm. Điều mà pháp luật Việt Nam chưa cho phép.

Một CĐ cho biết: “Trong kiến nghị gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xem thực chất PNC có còn 20% vốn trong CGV VN hay đã cầm cố cho chính CGV VN để vay 7 triệu USD? 20% PNC còn trong CGV VN hay đã bán đứt cho CGV VN? Bởi không một thành viên HĐQT PNC nào có mặt trong Ban điều hành CGV VN. Đặc biệt, gần 10 năm qua cổ đông không được chia đồng cổ tức nào trong khoản đầu tư này?”.

Tin Cùng Chuyên Mục