Cựu CEO Facebook Việt Nam: "Nhà nước cần kiểm soát chặt startup"

Hiếu Nguyễn

(Doanhnhan.vn) - Quan điểm trên của cựu CEO Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang đã tạo ra cuộc tranh luận tại buổi toạ đàm trực tuyến "Rủi ro bong bóng khởi nghiệp Việt Nam".

"Sự sụp đổ của WeFit sẽ tác động như thế nào tới thị trường startup Việt Nam?", đây là chủ đề được các thính giả đặc biệt quan tâm trong buổi tọa đàm trực tuyến "Rủi ro bong bóng khởi nghiệp Việt Nam" diễn ra hôm 16/5.

Cựu CEO Facebook Lê Diệp Kiều Trang cho rằng không nên quá để tâm tới các startup đã thất bại, giống như việc "lái xe cứ nhìn vào gương chiếu hậu thì khó tới đích". Mặt khác, với chính công ty startup, việc thất bại cũng là chuyện thường khi trong câu chuyện khởi nghiệp vốn tỷ lệ thất bại nhiều hơn là thành công.

Quan trọng hơn, bà Trang cho rằng sau WeFit, các cơ quan quản lý nhà nước nên có sự can thiệp để bảo vệ túi tiền của khách hàng.

Cựu CEO Facebook Việt Nam:
Bà Lê Diệp Kiều Trang.

"Người dùng khi mua một sản phẩm mà sau này tự dưng bất đắc dĩ mất tiền, tôi nghĩ đó là điều rất đáng quan tâm, đặc biệt đối với sự quản lý nền kinh tế. Câu hỏi quay lại là quản lý Nhà nước sẽ can thiệp thế nào với sự phát triển chóng mặt của nhiều mô hình kinh doanh khác nhau", bà Trang đặt vấn đề.

Theo bà, Nhà nước không nên để những tiếng nói sáng tạo lấn át tiếng nói bùng nổ của thị trường và sự an toàn, niềm tin của người dùng cho công ty khởi nghiệp. Hay nói cách khác, cần có sự can thiệp, kiểm soát chặt chẽ các startup.

Theo ông Trần Bằng Việt - Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam (JCI Vietnam), nhận định trên là chưa hợp lý, thậm chí nếu Nhà nước và chính phủ các quốc gia can thiệp, tác động vào có thể sẽ giết chết sự sáng tạo.

"Trong câu chuyện vừa rồi của WeFit, có thể người dùng mất một số tiền nào đấy, cũng không đến nỗi dùng ví dụ đó yêu cầu Nhà nước can thiệp. Tôi không khuyến khích điều đấy, nên để thị trường tự điều tiết" - ông Việt nhấn mạnh. 

Tranh luận về vai trò của Nhà nước với startup còn bỏ ngỏ ở cuối toạ đàm. Tuy nhiên, bà Lê Diệp Kiều Trang vẫn bảo lưu quan điểm cần có sự can thiệp, tác động: 

"Với fintech, không thể nào nói vì đổi mới sáng tạo mà chúng ta quên đi trách nhiệm của Nhà nước trong việc giữ nền kinh tế bình ổn, đồng tiền bình ổn, chính sách tiền tệ bình ổn cũng như chính sách hối đoái bình ổn. Nếu không, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà doanh nghiệp truyền thống sẽ gánh chịu đầu tiên". 

Không còn chỗ cho những startup "đốt tiền" để tồn tại 

Dự đoán về tương lai của các startup mô hình "sharing economy" (kinh tế chia sẻ - PV), các diễn giả đều có chung quan điểm rằng sẽ rất có để các startup này tồn tại sau đại dịch Covid-19.

"Theo tôi các doanh nghiệp này sau khi đốt hết tiền sẽ không sống được, và quay trở lại câu chuyện doanh nghiệp nào giải quyết được nhu cầu của người dùng, đồng thời có được sự phát triền bền vững", bà Lê Diệp Kiều trang nhấn mạnh.

Về thị trường gọi xe tại Việt Nam, ông Trần Bằng Việt thẳng thắn thừa nhận "không còn thị trường cho các doanh nghiệp khác bởi Grab đang thống trị tới 78%". Ông Việt phân tích, muốn viết một ứng dụng tương tự Uber, Grab chỉ mất tối đa 3 tỷ đồng, nhưng để vận hành, chuyển đổi đến giai đoạn sinh lời thì cần tới hàng ngàn tỷ.

"Tôi thấy rằng không có bất cứ cơ hội nào cho các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực gọi xe nữa, cho dù họ có bao nhiêu tiền", vị Trần Bằng Việt, nói. 

Tin Cùng Chuyên Mục