Cựu CEO Starbucks: từ anh chàng nhặt rác, bán máu để kiếm sống tới tỷ phú cà phê đình đám

G.P (Tổng hợp)

Câu chuyện nỗ lực vượt khó của vị CEO này sẽ giúp bạn có thêm động lực để sống, cố gắng.

Những tỷ phú trên thế giới hầu như đều có một khởi đầu rất khó khăn và Howard Schultz - cựu CEO của thương hiệu Starbucks đình đám cũng không phải ngoại lệ.

Ít ai có thể ngờ rằng, trước khi trở thành tỷ phú, ông đã từng phải chịu vô vàn những khó khăn để có thể chạm tay đến thành công.

Cựu CEO Starbucks: từ anh chàng nhặt rác, bán máu để kiếm sống tới tỷ phú cà phê đình đám - Ảnh 1

Lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, từng phải đi nhặt rác, bán máu để đóng học phí

Schultz sinh năm 1953 tại Brooklyn, New York trong một gia đình có bố mẹ đều dang dở việc học. Do hoàn cảnh nghèo khó, nên suốt những năm tháng tuổi thơ Howard Schultz phải ở khu nhà công cộng. Chính tại đây, Howard Schultz đã trải qua những khoảnh khắc quan trọng nhất cuộc đời mình.

Bà Elaine - mẹ ông dành toàn bộ thời gian của mình ở nhà chăm sóc anh em Schultz, còn người cha - ông Fred - trụ cột trong gia đình lại bươn trải với đủ mọi ngành nghề từ lái xe tải, công nhân nhà máy cho đến lái xe taxi.

Năm 1961, khi Schultz lên 7, ông Fred gặp tai nạn, bị vỡ mắt cá chân khi đang là tài xế xe tải và giao tã bỉm. Khó khăn thay, bố của Schultz không nhận được khoản bồi thường nào dành cho công nhân vì ông không có hợp đồng lao động hay bất kỳ khoản bảo hiểm y tế. 

Cựu CEO Starbucks: từ anh chàng nhặt rác, bán máu để kiếm sống tới tỷ phú cà phê đình đám - Ảnh 2

 

Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn khi ông Fred qua đời vài năm sau đó, nhưng mẹ của Howard Schultz luôn khuyến khích và động viên các con tiếp tục học tập. Bà tin rằng, nền tảng giáo dục tốt chính là cánh cửa mở ra cơ hội thoát khỏi cái nghèo cho con trai và gia đình.

Nhờ sự ủng hộ của mẹ, ngoài thời gian làm việc giúp mẹ, nhặt rác thêm kiếm tiền, Howard Schultz vẫn cố gắng học hành tử tế, thậm chí còn nhận được một suất học bổng thể thao của trường Đại học Bắc Michigan.

Để có thể trang trải những chi phí sinh hoạt cho cuộc sống tại trường Đại học, cậu sinh viên Howard Schultz đã làm rất nhiều công việc làm thêm như phục vụ tại cửa hàng rượu, thậm chí còn phải đi bán máu.

Cái duyên đưa Schultz đến với Starbucks

Sau khi ra trường, Schultz làm việc tại một nhà nghỉ trượt tuyết ở Michigan. Ông cũng làm nhân viên bán hàng cho công ty Xerox và một cửa hàng bán đồ dùng gia đình có tên Hammarplast. Tại đây, ông từng bước vươn lên vị trí phó chủ tịch và tổng giám đốc, dẫn dắt đội ngũ bán hàng.

Schultz lần đầu biết đến Starbucks thời còn làm cho Hammarplast. Thương hiệu cà phê lúc này có 4 cửa hàng tại Seattle. Họ gây chú ý cho ông khi đặt mua số lượng lớn máy pha cà phê nhỏ giọt.

Cựu CEO Starbucks: từ anh chàng nhặt rác, bán máu để kiếm sống tới tỷ phú cà phê đình đám - Ảnh 3

Cảm thấy thích thú, vị doanh nhân đến Seattle để tìm gặp hai đồng sáng lập công ty này là Gerald Baldwin và Gordon Bowker. Ông ngay lập tức bị cuốn vào niềm đam mê của hai người đối diện. Họ tạo ấn tượng mạnh bởi dũng cảm bán một sản phẩm nằm trong ngách rất nhỏ của những người sành cà phê.

Schultz nghĩ mình nhất định phải gia nhập Starbuck, bất chấp đối diện tương lai phải liên tục di chuyển khắp nơi và chấp nhận mức lương thấp hơn. Nhưng ông vô cùng hào hứng với quyết định của mình và không bao giờ cảm thấy hối tiếc. Tuy nhiên, phải mất một năm, Schultz mới thuyết phục được Baldwin thuê ông về làm giám đốc tiếp thị cho công ty.

Howard Schultz là người có tham vọng lớn, ông không chấp nhận Starbucks chỉ giậm chân tại chỗ ở quy mô nhỏ như chuỗi các thương hiệu cà phê trong khu vực. Ông muốn đưa Starbucks vươn tầm thế giới. 

Thế nhưng, ý tưởng này của Howard Schultz không nhận được sự ủng hộ của hai nhà sáng lập Starbucks nên ông quyết định rời công ty. 

Sau đó, vào khoảng năm 1985, ông thành lập công ty cà phê riêng có tên Il Giornale, tiếng Italy nghĩa là “thường ngày”. Ông muốn kiên định với con đường mà giác quan mách bảo ông tại xứ sở mì ống.

Trong hai năm, Schultz tập trung mở các cửa hàng Il Giornale, tái hiện văn hóa thưởng thức cà phê độc đáo tách Latte mà ông từng chứng kiến tại Italy. Rất nhanh chóng, đến năm 1987, Howard Schultz mua lại thương hiệu Starbucks và 17 cửa hàng bán lẻ với giá chỉ 3,8 triệu USD.

Cựu CEO Starbucks: từ anh chàng nhặt rác, bán máu để kiếm sống tới tỷ phú cà phê đình đám - Ảnh 4

 

Sau đó, ông chính thức trở thành giám đốc điều hành của Starbucks, tiến hành cải tổ và mở rộng nhiều chi nhánh tại các thành phố lớn khác.

Dưới sự lãnh đạo của Schultz, tập đoàn tăng trưởng đến mức đáng kinh ngạc. Ông liên tục tạo ra những chiến dịch lớn cho Starbucks và gây nhiều tiếng vang trên thị trường quốc tế. Sau một thập kỉ thành lập, Starbucks đã phát triển từ 1.886 chi nhánh lên tới 16.680 chi nhánh. Hiện tại, Starbucks đã có hơn 28.000 cửa hàng tại 77 quốc gia, đem lại doanh thu ròng khoảng 22.4 tỷ USD chỉ tính riêng năm 2017.

Đến năm 2016, ông đã thôi không làm CEO của Starbuks nữa, thế nhưng ông chính là nhân vật đã truyền cảm hứng cho những người có khát vọng vươn lên từ nghèo khó. 

Tin Cùng Chuyên Mục