Cựu tướng Phan Văn Vĩnh lại bị khởi tố

T.PHAN - M.CHUNG

Hiện ông Vĩnh đang là phạm nhân chấp hành bản án 9 năm tù giam của TAND tỉnh Phú Thọ trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ.

CQĐT VKSND Tối cao vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh về tội ra quyết định trái pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 371 BLHS. Việc khởi tố bị can đối với ông Vĩnh được tiến hành sau ba tháng CQĐT VKSND Tối cao ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nói trên.

Hiện ông Vĩnh đang là phạm nhân chấp hành bản án chín năm tù giam của TAND tỉnh Phú Thọ trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành.

Bán gỗ tang vật trái luật

Trong vụ án này, ông Vĩnh bị xác định có vi phạm liên quan đến việc bán vật chứng là lô gỗ trong vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội buôn lậu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ án trên, ông Vĩnh khi đó là thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật.

Các bị cáo gồm: Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung (cùng trú huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bị truy tố về tội buôn lậu; Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (cùng trú TP Đông Hà, Quảng Trị) và Đỗ Danh Thắng (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, ngày 17-12-2011, Công ty Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) nhập gỗ từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, nguyên lô gỗ được xuất sang Hong Kong được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt. Khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng để xuất đi thì Công an quận Ngũ Hành Sơn phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan nên đã giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý.

Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển hồ sơ cho Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (khi đó viết tắt là C46), Bộ Công an.

Ngày 17-12-2011, Trương Huy Liệu (phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) đã chỉ đạo các cá nhân trong công ty làm giả hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu lậu gỗ từ Lào về Việt Nam. Ngày 18-12-2011, Liệu chỉ đạo các cá nhân trong công ty làm giả hồ sơ, tài liệu và sử dụng bộ hồ sơ này để xuất khẩu gỗ từ Việt Nam đi Trung Quốc với khối lượng gần 614,7 m3 gỗ, trị giá hơn 63,6 tỉ đồng. Còn bị cáo Dung (giám đốc Công ty Ngọc Hưng, vợ của Liệu) có hành vi ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu lậu gỗ, đồng thời giúp sức cho Liệu buôn lậu.

Các bị cáo Nhi, Thành (công chức hải quan Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt) được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu nhưng không thực hiện đúng và đầy đủ nên đã đề xuất cho thông quan đối với lô hàng. Bị cáo Thắng (chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng) được giao nhiệm vụ khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng nhưng không làm đúng.

Hành vi của các bị cáo gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách nhà nước, số tiền thuế Công ty Ngọc Hưng không nộp là gần 1,9 tỉ đồng.

Cựu tướng Phan Văn Vĩnh lại bị khởi tố - Ảnh 1

 

Khi nào phạm tội ra quyết định trái pháp luật?

Theo TS Phan Anh Tuấn (trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), theo quyết định khởi tố thì ông Vĩnh đã thực hiện một hoặc cả ba hành vi trái luật sau: Ra quyết định không đúng với nội dung thực tế; không đúng thẩm quyền; không đúng thủ tục theo quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng tội ra quyết định trái pháp luật tại Điều 371 BLHS 2015 có phạm vi chủ thể lại mở rộng hơn so với BLHS 1999. Theo đó, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này, tức là không cần chứng minh người phạm tội có mong muốn hậu quả xảy ra hay không.

Việc xử lý vật chứng của ông Vĩnh diễn ra trong thời gian đang áp dụng BLTTHS 2003. Theo Điều 76 bộ luật này thì thẩm quyền xử lý vật chứng do CQĐT quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. Trong đó, vật chứng chỉ được bán khi đó là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản.

Quá trình điều tra, CQĐT chỉ có quyền trả lại vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án, chứ không được quyền bán vật chứng. Như vậy, việc ông Vĩnh xử lý tang vật của vụ án bằng cách cho bán lô gỗ là không đúng thẩm quyền, không đúng căn cứ.

Ông Vĩnh trước đây đã bị tuyên mức án chín năm tù giam trong vụ đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ. Trong vụ này bị khởi tố theo khoản 2 Điều 371 BLHS 2015 có hình phạt 2-7 năm tù.

Tòa từng kiến nghị khởi tố

Về vụ buôn lậu gỗ, tháng 8-2018, TAND TP Đà Nẵng đã xử sơ thẩm. Ngoài mức án cho các bị cáo thì HĐXX cũng kiến nghị Cục Điều tra của VKSND Tối cao khởi tố vụ án về hành vi bán tang vật trái luật. Ngày 3-7, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm chính thức khép lại vụ án đã kéo dài tám năm, qua bốn lần tòa mở phiên xử sơ thẩm. Thời điểm này thì CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án về tội ra quyết định trái pháp luật xảy ra tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Tin Cùng Chuyên Mục