Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông

Thành Trung

Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông của xã Phú Nghĩa (Hòa Bình) bao gồm 17 bộ thu phát thanh, với 46 loa để phủ sóng toàn bộ 15 thôn trong xã.

Ngày 17/9, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với tập đoàn Vingroup đã bàn giao mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. 

Toàn bộ thiết bị được Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) sản xuất, lắp đặt thiết bị. 

Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông của xã Phú Nghĩa được đầu tư 17 bộ thu phát thanh, với 46 loa công suất 30W để phủ sóng toàn bộ 15 thôn trong xã; 1 bộ máy vi tính và phần mềm quản trị, biên tập nội dung và 1 micro để bàn. 

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo tham quan mô hình điểm đài truyền thanh thông minh tại xã Phú Nghĩa.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo tham quan mô hình điểm đài truyền thanh thông minh tại xã Phú Nghĩa.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: "Ngay cả khi người dân khi đang lao động, sản xuất, kinh doanh vẫn nghe được thông tin của đài truyền thanh, đặc biệt rất hiệu quả đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng biên giới, hải đảo. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hệ thống truyền thanh cơ sở ở các địa phương đã phát huy rất hiệu quả trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch."

Hiện cả nước có 9.534 đài truyền thanh cơ sở, đạt tỷ lệ 90% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh. Đài truyền thanh cơ sở hiện nay sử dụng hai loại công nghệ truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây FM), là công nghệ truyền thanh cũ và đã trở nên lạc hậu trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông. 

So với phương thức truyền thanh có dây và truyền thanh không dây FM vốn được sử dụng từ trước đến nay, truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông có nhiều ưu điểm vượt trội.

Hệ thống truyền thanh thế hệ mới sử dụng công nghệ số, không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục được các lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết.

Đồng thời, người vận hành có khả năng ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh như kiểm duyệt chương trình từ xa, chuyển tải chương trình trên hệ thống từ Trung ương đến địa phương, quản lý lịch phát sóng tự động,...

Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số; sang giải quyết được bải toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở.

Tin Cùng Chuyên Mục