Đảm bảo tính toàn diện trong xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 27

Theo Bộ Tư pháp

Ngày 13/02, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ về xây dựng Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Báo cáo tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết, trên cơ sở bám sát nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kế hoạch số 11-KH/TW, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, bám sát chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, Viện Khoa học pháp lý đã lựa chọn các đề án, nhiệm vụ do các đơn vị đề xuất để xây dựng Dự thảo Chương trình hành động bảo đảm tính toàn diện, không bỏ sót các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương trình bày báo cáo tại phiên làm việc
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương trình bày báo cáo tại phiên làm việc

Theo đó, Dự thảo xác định các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, phổ biến nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện, hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Đảm bảo tính toàn diện trong xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 27 - Ảnh 1
Đảm bảo tính toàn diện trong xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 27 - Ảnh 2
Đảm bảo tính toàn diện trong xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 27 - Ảnh 3
Đảm bảo tính toàn diện trong xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 27 - Ảnh 4

Phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong việc bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự, theo dõi Thi hành án hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp.  Nâng cao hiệu quả công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật. Tăng cường công tác xây dựng bộ, ngành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý.

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, hệ thống các nhiệm vụ cụ thể cũng được xác định trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất của các đơn vị thuộc Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại phiên làm việc
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại phiên làm việc

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh Nghị quyết số 27-NQ/TW có ý nghĩa quan trọng với cả hệ thống chính trị, với đất nước, đặc biệt là đối với Bộ, ngành Tư pháp khi Nghị quyết xác định một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm là “hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Thứ trưởng đề nghị toàn Bộ, ngành Tư pháp cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 27-NQ/TW, coi đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động tư pháp, pháp luật, từ đó xây dựng, triển khai Kế hoạch hành động hiệu quả. Kế hoạch hành động cần bao quát các nhiệm vụ chung được xác định tại Nghị quyết có gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể. Kế hoạch được xây dựng với tinh thần không bỏ sót nhưng cũng cần tránh trùng lặp với các Chương trình hành động khác của Bộ, ngành tư pháp.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới, hội nhập sâu rộng, Thứ trưởng lưu ý Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nên đặt vấn đề để hướng vào mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tư pháp, trong đó đặc biệt lưu ý tới yếu tố con người, từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng…

Tin Cùng Chuyên Mục