Đánh giá lại quy mô GDP không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP

Linh Linh

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (TCTK), ông Nguyễn Bích Lâm, việc đánh giá lại quy mô GDP không phải “cách tính mới” và không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP…

Sáng 16/8, trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến hoạt động đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm đã nhấn mạnh việc đánh giá lại quy mô GDP không phải là "cách tính mới" mà nhằm tính đúng, tính đủ và tính so sánh theo các năm.

Ông Lâm cho biết có 3 phương pháp dùng để biên soạn chỉ tiêu thống kê GDP, đó là: Phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập. TCTK đang sử dụng 3 phương pháp này trong biên soạn GDP và hiện đơn vị đang tiến hành đánh giá lại quy mô GDP và đây là nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới.

Đánh giá lại quy mô GDP không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP - Ảnh 1
Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định đánh giá lại quy mô GDP không phải là cách tính mới

"Đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới"- ông Lâm lưu ý và khẳng định cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế.

Đánh giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm

Theo Tổng cục Thống lê, GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng. Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Về phạm vi đánh giá lại quy mô GDP, Tổng cục trưởng TCTK cho biết chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Nguồn thông tin sử dụng đánh giá lại quy mô GDP chủ yếu dựa vào Tổng điều tra và hồ sơ hành chính của các Bộ, ngành địa phương. Trong giai đoạn 2010-2017, TCTK thực hiện Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2012 và năm 2017. Đồng thời, công tác chia sẻ thông tin giữa Bộ KH&ĐT với các Bộ, ngành ngày càng tốt hơn đã giúp thu thập được thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ, ngành.

Theo Tổng cục trưởng TCTK, kết quả đánh giá lại quy mô GDP tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Cụ thể, tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

"Tuy nhiên, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ"- ông Lâm khẳng định.

Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng TCTK cũng cho biết, việc đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tý trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn.

Tổng cục trưởng TCTK cũng chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên TCTK tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Năm 2013, TCTK đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, trong đó tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản...; thay đổi phân ngành kinh tế từ hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam 2007.

“Đánh giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ cần thiết nhằm đảm bảo theo thông lệ quốc tế; nguồn thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ; Đánh  giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm. GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng. Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế..”- Tổng cục trưởng TCTK khẳng định..

Tổng cục trưởng TCTK cũng cho biết, đợt thống kê đánh giá lại quy mô GDP lần này, TCTK cũng bổ sung thêm được thông tin của hơn 76 nghìn DN. Trong đó có 4 nhóm có tác động làm tăng quy mô GDP, 1 nhóm làm giảm quy mô GDP nhưng chỉ tính riêng 4 nhóm làm tăng quy mô GDP cũng đã chiếm tới 90% GDP mức tăng của tất cả các nhóm này.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan ngại việc điều chỉnh số liệu về GDP có thể khiến các chỉ tiêu về an toàn nợ công thấp xuống tạo dư địa vay nợ nhiều hơn; thu nhập bình quân đầu người tăng về mặt con số nhưng không cải thiện điều kiện sống...

Ông Robert Dippelsman, Phó trưởng phòng thống kê của IMF :

Theo lời mời của TCTK Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cử một đoàn công tác sang Việt Nam lần này để giúp rà soát phương pháp đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam.

Rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết. Do đó, nhóm chuyên gia IMF đánh giá rất cao việc TCTK gần đây đã tiến hành những cuộc Tổng điều tra về kinh tế để đảm bảo độ bao phủ 100% tất cả các DN và các hoạt động về kinh tế.

Ông Emnanuel Manolikakis, chuyên gia tư vấn của IMF:

Đối với các quốc gia đang phát triển thì thách thức lớn nhất là làm sao có thể nắm bắt được tất cả các số liệu của các DN một cách kịp thời và đầy đủ, trong khi các DN này đang phát triển với tốc độ khá nhanh.

Đối với Việt Nam, vấn đề lớn nhất chính là sự thay đổi rất nhanh về cơ cấu kinh tế, với nền kinh tế mới và đang phát triển, số lượng các DN nhỏ và vừa rất lớn. Ngoài ra, kinh tế hộ gia đình cũng rất khó để có thể nắm bắt được số liệu thống kê một cách kịp thời và đầy đủ. Chính vì vậy, TCTK trong lần điều chỉnh GDP này đã thực hiện hoàn toàn phù hợp với tất cả các thông lệ quốc tế.

Tin Cùng Chuyên Mục