Đề án đô thị thông minh tại TP Hồ Chí Minh: Mở rộng tính tương tác giữa người dân và chính quyền

Như Kim

Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì Hội nghị triển khai đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh tại 24 quận, huyện. Hội nghị đã nghe lãnh đạo quận 1 và quận 12 báo cáo về kết quả sau hai năm triển khai thí điểm đề án trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết quận đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh tích hợp cùng hệ thống camera an ninh thông minh đặt tại trụ sở UBND quận. Tính đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành việc tích hợp camera tại địa bàn dân cư và trụ sở công an 10 phường kết nối về Trung tâm điều hành đô thị thông minh với 1.115 mắt camera và 128 đầu thu.

Theo ông Dũng, trong hai năm triển khai thí điểm, hệ thống camera an ninh thông minh đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho Ban chỉ huy quận trong công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống phát sinh vào các ngày lễ, tết và phòng chống bạo động, các hành vi quá khích gây rối trật tự công cộng vào các đợt cao điểm, đảm bảo an ninh trật tự.

Đề án đô thị thông minh tại TP Hồ Chí Minh: Mở rộng tính tương tác giữa người dân và chính quyền - Ảnh 1
Trung tâm điều hành đô thị thông minh tại quận 1 (TP HCM).

Bên cạnh đó, quận cũng triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến “Tiếp nhận đăng ký không giấy” trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, tư pháp, đô thị... Quận còn số hóa dữ liệu, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của TP; triển khai hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng.

Trong năm 2020, quận sẽ tiếp tục triển khai bốn hệ thống gồm xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm điều hành đô thị thông minh; nâng cấp hệ thống camera an ninh thông minh; hệ thống quảng bá du lịch thông minh; xây dựng hệ thống cảnh báo cháy thông minh nhằm xây dựng hệ thống quản lý toàn diện, đồng bộ các cấp, ban, ngành trong công tác kết nối, theo dõi và hỗ trợ hiệu quả.

Còn theo Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu, việc triển khai thực hiện thí điểm đề án này đã tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các ứng dụng công nghệ thông tin do UBND quận triển khai được UBND TP, các địa phương đánh giá cao và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhân dân.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận hiện tiến độ một số dự án triển khai chậm so với kế hoạch. Một số cán bộ, công chức chưa ứng dụng khoa học công nghệ vào công việc... Hệ thống hạ tầng thiết bị không đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng.

Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hiện đại hóa hạ tầng thiết bị; tăng cường, bổ sung các giải pháp thanh toán trực tuyến, ví điện tử... Đồng thời sẽ xây dựng và triển khai ứng dụng tiếp nhận, quản lý, trả lời phản ánh, góp ý của người dân thông qua tài khoản Zalo, Facebook và website - Vticket; hệ thống thông tin quản lý xây dựng (ứng dụng BIM)...

Ông Hiếu kiến nghị UBND TP có chính sách cho phép UBND quận chủ động triển khai nâng cấp, bổ sung cổng dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 3, 4); sớm bố trí vốn cho quận nâng cấp trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh quận; có cơ chế phù hợp thu hút nhân tài phục vụ việc xây dựng đề án đô thị thông minh.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện khi xây dựng đề án đô thị thông minh phải phù hợp với đặc thù của từng quận, huyện. Trong đó xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực và lộ trình thực hiện, chọn đơn vị tư vấn. Sau đó, TP sẽ thành lập tổ công tác để duyệt các đề án nhằm góp ý hoàn chỉnh.

Sau khi đề án được thông qua, các quận, huyện phải tuyên truyền đến người dân hiểu một cách đầy đủ. “Đề án phải hướng đến người dân, phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của người dân, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Phải mở rộng tính tương tác giữa người dân và chính quyền, coi người dân như là một cảm biến”, ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền TP HCM cũng đề nghị các quận, huyện có kế hoạch huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ cán bộ trong việc xây dựng đô thị thông minh. Ngoài ra cũng cần có phương án tài chính, kế hoạch đầu tư và lộ trình thực hiện. “Làm vì nhân dân, vì sự phục vụ tốt cho người dân chứ đừng làm theo kiểu đối phó”, ông Phong đúc kết.

Dự kiến đến ngày 15/3, TP HCM sẽ duyệt đề án của các quận, huyện và khi đề án có đơn vị tư vấn, lập ban điều hành giúp việc, thông tin tuyên truyền đến người dân, để dân hiểu đầy đủ, kịp thời. 

Tin Cùng Chuyên Mục