Đến năm 2020 Nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp

Bình Nguyễn

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, về cổ phần hóa DNNN, đến hết năm 2017, cả nước còn 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Hội nghị trực tuyến thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa diễn ra tại Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, về cổ phần hóa DNNN, đến hết năm 2017, cả nước còn 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, sẽ thực hiện cơ cấu lại, Nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong 11 lĩnh vực.

Đến năm 2020 Nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp - Ảnh 1

 

Cùng với đó, trong giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại DN. Sau quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, tính hết quý II/2019 mới có 35/127 DNNN trong danh mục được duyệt đã thực hiện cổ phần hóa, đạt tỷ lệ 27,5%. 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra rằng tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN vẫn còn chậm. Những nguyên nhân của sự chậm trễ này, một phần là do vướng mắc ở các quy định pháp lý, phần khác là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nêu ra những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 12 mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận cho rằng cần đánh giá rõ vai trò, vị trí của DNNN trong giai đoạn hiện nay. Ông nêu thực tế đánh giá của xã hội đối với DNNN chưa toàn diện, đúng đắn. 

“12 dự án yếu kém ngành công thương như “con sâu làm rầu nồi canh”, không phải DNNN nào cũng vậy”, ông Thuận nói.

Ông Thuận nhất trí với quan điểm chỉ giữ lại những DNNN trong lĩnh vực trọng yếu, nhưng đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của DNNN cần phải đầy đủ hơn, có xem xét tới cả yếu tố lịch sử. 

“Có một số dự án ở giai đoạn đầu gặp khó khăn thì DN tư nhân không đầu tư. DNNN đi đầu sẽ gặp vướng mắc, hạn chế hơn, đến khi cơ hội rõ ràng hơn thì DN tư nhân mới vào”, ông Thuận nói.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Đức Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng: DNNN vẫn bị định kiến là yếu kém trong khi vừa phải kinh doanh hiệu quả vừa phải đóng góp, thực hiện những nghĩa vụ khác mà Nhà nước giao. Trên thực tế các DNNN đã có nhiều nỗ lực góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ trương của Đảng, Nhà nước. 

VNPT hiện cũng tập trung nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiện đại, tái cơ cấu, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Còn Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) Phạm Xuân Cảnh chỉ ra công tác thực hiện Nghị quyết 12 của các cơ quan liên quan còn chậm trễ, khiến DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các khung khổ pháp lý như Luật Dầu khí hiện tại đã lỗi thời và có chủ trương sửa đổi cách đây 5 năm nhưng vẫn chưa được sửa đổi dẫn đến việc triển khai các dự án lớn gặp khó khăn. 

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi từ đại diện lãnh đạo DNNN, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Các doanh nghiệp cần tự tin, có nhận thức đúng về kinh tế nhà nước, DNNN; nhận diện được những việc khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để từ đó đề xuất những cơ chế chính sách giúp cho các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung thực hiện tốt vị trí, vai trò của mình. Những ý kiến đóng góp đề xuất của doanh nghiệp cũng góp phần vào việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII một cách rõ ràng, thiết thực hơn, giúp cho việc triển khai trong thời gian tới đạt được kết quả theo các yêu cầu của Nghị quyết đã đề ra”. 

Tin Cùng Chuyên Mục