ĐHĐCĐ 2023 OCB: 80% khách hàng mới đến từ kênh số, kế hoạch tăng lãi trước thuế 2023 lên 6.000 tỷ đồng

Quỳnh Chi

Sáng nay, ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ, tổng số cổ đông tham dự là 170 cổ đông, đại diện cho hơn 1.117 nghìn số cổ phần, chiếm tỷ lệ  81,61%, đáp ứng đủ điều kiện để tổ chức ĐHĐCĐ năm 2023.

ĐHĐCĐ 2023 OCB: 80% khách hàng mới đến từ kênh số, kế hoạch tăng lãi trước thuế 2023 lên 6.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Đẩy mạnh ngân hàng số, gần 80% khách hàng mới có được qua kênh số

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch ngân hàng cho biết: Trong năm 2022, tuy kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động mạnh tới nền kinh tế trong nước. Đặc biệt là tình hình chính trị bất ổn, lạm phát và lãi suất tăng cao ở nhiều quốc gia. Ngoài ra phía ngân hàng còn phải đối diện với những biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, mặt bằng lãi suất tăng nhanh, tỷ giá biến động mạnh.

Tuy nhiên, phía Ngân hàng đã áp dụng các biện pháp cẩn trọng để thích ứng với điều kiện thị trường nhằm đảm bảo an toàn hoạt động cũng như khả năng sinh lời của ngân hàng.

Kết quả đạt được ngân hàng ghi nhận với tổng tài sản thực hiện trong năm 2022 đạt 193.994 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ, đạt 84,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 4.389 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu 1,71% ở mức an toàn.

Thu từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt. Tổng thu nhập lãi thuần tăng 21%, đạt 6.948 tỷ đồng. Tổng thu phí dịch vụ thuần tăng 29%, đạt 1.014 tỷ đồng.

Cũng theo chủ tịch OCB, ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng là 18,5%, cao hơn mức trung bình của ngành ngân hàng Việt Nam. Hoạt động bán lẻ ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Hoạt động huy động vốn tăng 8,7% so với cùng kỳ, đạt trên 137 nghìn tỷ đồng. Hoạt động quản trị rủi ro đạt chuẩn Basel II nâng cao và Basel III, tăng cường năng lực quản trị rủi ro.

Ngân hàng cũng thực hiện đẩy mạnh phát triển khách hàng mới qua kênh ngân hàng số OMNI, gần 80% khách hàng mới của ngân hàng có được qua kênh số. Tính đến cuối năm 2022, số lượng người dùng OCB OMNI tới gần 2 triệu khách hàng, tăng 63% so với năm 2021 và gấp 3,3 lần so với đầu năm 2020. Vai trò của kênh số ngày càng tăng, trở thành kênh giao dịch chính, chiếm trên 90% số lượng giao dịch của ngân hàng. 

Năm 2023 mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 25%

Về định hướng kinh doanh năm 2023, OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng; Dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ đồng. Ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. 

ĐHĐCĐ 2023 OCB: 80% khách hàng mới đến từ kênh số, kế hoạch tăng lãi trước thuế 2023 lên 6.000 tỷ đồng - Ảnh 2

OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

 

Vốn điều lệ dự kiến tăng mạnh

Theo Ban lãnh đạo OCB, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, cụ thể: Tăng trưởng quy mô, tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch; Tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ phục vụ cho việc hiện đại hóa ngân hàng, hỗ trợ cho việc phát triển sản phẩm mới, tăng trải nghiệm dịch vụ khách hàng; Đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn hiệu quả hơn nữa.

Do đó, OCB có 7.037 tỷ đồng lợi nhuận để lại, trong đó 2.943 tỷ là lợi nhuận để lại năm 2022 và 4.094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước. Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, OCB đề xuất sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ.

ĐHĐCĐ 2023 OCB: 80% khách hàng mới đến từ kênh số, kế hoạch tăng lãi trước thuế 2023 lên 6.000 tỷ đồng - Ảnh 3

Cụ thể, ngân hàng muốn phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 50%. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Thời gian phát hành cụ thể do HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Với số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Sau khi tăng vốn điều lệ, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn Ngân hàng.

ĐHĐCĐ 2023 OCB: 80% khách hàng mới đến từ kênh số, kế hoạch tăng lãi trước thuế 2023 lên 6.000 tỷ đồng - Ảnh 4

Bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã thông qua số lượng thành viên HĐQT OCB là 8 thành viên. Hiện nay, HĐQT đang khuyết 1 thành viên. Để phù hợp quy mô và nhu cầu về quản trị, HĐQT trình cổ đông thông qua việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 từ 8 lên 9 thành viên.

Do đó, HĐQT sẽ bầu nhân sự bổ sung vào HĐQT với các ứng viên là ông Kato Shin và ông Nguyễn Đình Tùng.

Thay đổi trụ sở chính của ngân hàng

Trong kỳ đại hội lần này, HĐQT OCB cũng đã trình cổ đông thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng. Hiện nay, trụ sở chính được đặt tại số 41 (tầng trệt, tầng lửng, tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà) và số 45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng diện tích trụ sở chính, HĐQT OCB trình ĐHCĐ xem xét thông qua chấp thuận thay đổi trụ sở chính của ngân hàng sang địa điểm mới là : Một phần tầng 1, một phần tầng 2, tầng 3,4,6 và một phần tầng 29 của tòa nhà The Hallmark, lô 1-13 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Địa điểm mới kỳ vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu của OCB về yêu cầu trụ sở chính, với vị trí tòa nhà nằm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức - là khu vực quận trung tâm đang được quy hoạch thành trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ mới và lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh.

Phiên thảo luận của cổ đông:

Cổ đông hỏi: Năm 2022 ngân hàng không đạt kế hoạch đề ra, vậy cơ sở nào để năm 2023 lại đặt kế hoạch tăng trưởng lên 40%?

Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn: Năm 2023 kế hoạch chắc chắn sẽ hoàn thành bởi nhìn nhận thị trường trong năm nay đều có tính chất khả quan, thuận lợi trong năm 2023. Tuy nhiên, trong năm 2023 phía OCB sẽ vẫn đặt kế hoạch kinh doanh khiêm tốn và thận trọng hơn. 

Về việc kế hoạch năm 2022 chưa hoàn thành, chủ tịch OCB cho biết do trong năm 2022 kinh doanh trái phiếu chính phủ không đạt lợi nhuận bởi có nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên hoạt động chính năm 2022 vẫn đạt lợi nhuận, tăng trưởng đạt 29%, mức tăng trưởng của OCB vẫn đạt mức cao nhất từ trước tới giờ.

Năm 2023 dự báo thận trọng với trái phiếu chính phủ và lợi nhuận chủ yếu trông chờ vào việc kinh doanh cốt lõi chính của ngân hàng.

Cổ đông hỏi: Kỳ đại hội 2022, OCB có thông tin chia cổ tức 30%, hiện tại vẫn chưa thấy chia. Vì sao OCB chậm trễ chia cổ tức, khi nào cổ đông sẽ nhận được cổ tức?

Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn: Về việc chậm trễ chia cổ tức ngân hàng cho biết phía Ngân hàng nhà nước đã chấp thuận việc tăng vốn, tuy nhiên các thủ tục tiếp theo yêu cầu ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đòi hỏi hồ sơ yêu cầu chi tiết. Tuy nhiên, do phía ngân hàng vẫn đang thiếu sót và chậm trễ do đó chưa thực hiện được trong năm vừa qua. Phía ngân hàng quyết tâm sẽ gộp phần cổ tức năm 2023 và 2022 để thực hiện chi trả trong năm nay. Ngay sau khi tăng vốn điều lệ sẽ hoàn thành các thủ tục với Ngân hàng nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để chi trả cổ tức cho cổ đông.

Cổ đông hỏi: Phần nợ xấu của các đối tác khách hàng như FLC hay Đại Nam có làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng không? Tình hình tài sản của các doanh nghiệp này đã được ngân hàng xử lý giải quyết như thế nào?

Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng: Các khoản vay gặp rủi ro lớn của FLC, Đại Nam đã thu hồi xong, phía ngân hàng đã chia 2 bước thu hồi toàn bộ tài sản đang thế chấp. Cả 2 danh mục tài sản đã có người mua, tuy nhiên ngân hàng tạo điều kiện cho khách hàng nộp tiền và bán lại cho bên thứ 3.

Về tòa nhà FLC ở địa chỉ 265 Cầu giấy: Phía OCB đã có chủ trương mua với giá hợp lý trong năm 2022. Tuy nhiên do phía FLC gặp khó khăn trong việc chuyển đổi quyền sử dụng tài sản, chưa thực hiện thủ tục sang tên và vi phạm hợp tác nên phía OCB đã chấm dứt giao dịch với FLC. Phía FLC cũng đã xin trả nợ toàn bộ và thanh toán đầy đủ khoản nợ này.

Về nợ xấu OCB năm 2022 tăng mạnh so với 2021 là do cách tính toán thay đổi theo chuẩn mực kế toán, khác biệt 2 năm là do năm 2021 chỉ công bố nợ xấu tại ngân hàng OCB. Tuy nhiên, năm 2022 theo chuẩn mực kế toán mới, OCB cũng như các tổ chức khác phải tính toán lại khoản nợ xấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ xấu của các bên tín dụng khác kéo theo.

Trong năm 2023, mục tiêu của phía OCB sẽ cố gắng kéo nợ xấu giảm xuống thấp hơn cả kế hoạch đặt ra.

Tin Cùng Chuyên Mục