Diễn biến bất ngờ vụ xử Bí thư Thị ủy Bến Cát (Bình Dương): Bị cáo chưa được nói câu nào, tòa đã tuyên hoãn xử

Ngọc Lan

Sáng 4/11, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Bí thư TX Bến Cát) bị cáo buộc giúp sức cho Nguyễn Huy Hùng (nguyên GĐ Chi nhánh BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (thuộc cấp ông Hùng) “vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trước đó, PLVN đã có các bài viết phản ánh nhiều bất thường trong vụ án này: Ông Khanh có dấu hiệu bị oan sai; trước khi bị bắt, ông Khanh đã có các đơn cầu cứu gửi cơ quan Trung ương  cho rằng mình bị “trù dập” và “sự việc có dấu hiệu bè phái”; vợ ông Khanh cho rằng “vì một số cán bộ sai phạm dựng chuyện để “bịt miệng” chồng tôi, nên họ mới cố tìm ra lý do để bắt, cố dựng nên chuyện để ghép tội”.

Diễn biến bất ngờ vụ xử Bí thư Thị ủy Bến Cát (Bình Dương): Bị cáo chưa được nói câu nào, tòa đã tuyên hoãn xử - Ảnh 1

Ông Khanh tại phiên xử sơ thẩm bị hoãn hôm qua (4/11).

Vì sao không dịch văn bản ủy thác tư pháp?

Ông Khanh  là người mua tài sản giải chấp tài sản là 18,1ha đất mà cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945, chết năm 2016, Giám đốc Công ty An Tây và Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp tại ấp Lồ Ô, xã An Tây) bán. Việc mua bán từ năm 2012 đến năm 2015, được sự đồng ý của BIDV Tây Sài Gòn.

Cáo buộc của cơ quan tố tụng nôm na rằng do ông Khanh mua giá rẻ nên gây thiệt hại cho ngân hàng. Tuy nhiên luật sư phản bác, cho rằng đây là sự quy chụp, suy diễn, vừa không hợp tình vừa không đúng luật.  

Sáng 4/11, ông Khanh xuất hiện tại tòa khá trầm lặng, áo sơ mi trắng cộc tay, quần đen, bị còng tay, tóc bạc hơn và có vẻ gày gò so với thời điểm bị bắt hơn một năm trước đây. Ông Khanh có vẻ khá điềm tĩnh khi nhìn mọi người dự khán, khẽ gật đầu chào những người quen biết.

Mỗi lần chồng bị dẫn giải đi ngang qua, vợ ông Khanh lại bật khóc nức nở. Phòng xử kín người, ước tính có hàng trăm người tới theo dõi. Không đủ chỗ ngồi nên người dự khán phải tràn ra phía ngoài đứng.

Cũng trong sáng qua, sau khi theo dõi bài viết trên Báo PLVN về những “góc khuất” liên quan vụ án, nhiều người dự khán mới biết sự việc có những dấu hiệu bất thường như vậy.   

Phiên xử dự định diễn ra trong bốn ngày. Ngay trong buổi sáng, luật sư đã yêu cầu HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập một số nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên HĐXX từ chối đề nghị này, cho rằng trong quá trình xét xử, cần thiết những người này có mặt thì sẽ triệu tập, nếu không tới sẽ áp giải.

Phiên tòa bắt đầu với thủ tục kiểm tra lý lịch, sau đó cơ quan công tố đọc bản cáo trạng. Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) tiếp tục đề nghị hoãn vì phiên tòa xuất hiện kết quả ủy thác tư pháp từ Mỹ của bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, con gái cụ Hiệp).

Bà Hảo là người được cấp sổ đỏ khoảng 9,7ha đất, là thành viên của Công ty An Tây và Mỹ Hiệp. Đại diện VKS cho rằng “ủy thác tư pháp đang được CQĐT giữ và chờ dịch sang tiếng Việt” và “ủy thác tư pháp không quan trọng nên đề nghị tiếp tục phiên tòa”. Luật sư phản bác quan điểm này của VKS. 

HĐXX quyết định hội ý hồi lâu, sau đó trở ra đưa ra quyết định hoãn phiên tòa, dự định mở lại phiên xử vào ngày 18/11/2019 tới đây. Ông Khanh chưa được nói một lời nào. Cảnh sát lại đưa ông Khanh về trại. Khi chồng được đưa đi, vợ ông Khanh một lần nữa òa khóc.

Trao đổi bên ngoài phòng xử, LS Quynh giải thích: “Lời khai của bà Hảo rất quan trọng, nó có thể làm thay đổi bản chất vụ án mà các bị cáo đang bị truy tố. Bà Hảo có thể là bị hại trong vụ án nên ý kiến của bà cần phải được làm rõ.

Gần 1.500 m2 đất mà các bị cáo đang bị cáo buộc là do bà Hảo đồng ý bán hay cụ Hiệp tự ý bán? Ngoài ra, bà Hảo cũng là người đứng tên chủ đất, là thành viên của những công ty đang có tài sản thế chấp trong ngân hàng và sau khi giải chấp thì cụ Hiệp đứng ra bán, ông Khanh mua”.

Diễn biến bất ngờ vụ xử Bí thư Thị ủy Bến Cát (Bình Dương): Bị cáo chưa được nói câu nào, tòa đã tuyên hoãn xử - Ảnh 2

 Ông Khanh bị bắt sau khi tố cáo những sai phạm như tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại Bình Dương.

“Một tài liệu quan trọng mà lại bỏ ra ngoài vụ án, sau đó bảo “xử đi, khi nào có thì xét hỏi lại” thì chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi có quyền nghi ngờ ủy thác tư pháp đó bất lợi cho CQĐT nên bị bỏ ra ngoài hồ sơ. Trong vụ án này, cụ Hiệp đã qua đời, giờ chỉ còn một người là bà Hảo mà ý kiến của bà Hảo lại không được xem xét là sai phạm nghiêm trọng”, LS Quynh nói.

Vụ án nhiều góc khuất

Trở lại với sự việc trước khi bị khởi tố, bắt giam, được biết ông Khanh có đơn tố cáo sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ tỉnh Bình Dương liên quan đến quản lý, sử dụng đất, nhất là khu đất công, di tích lịch sử chiến Khu D.

Hồ sơ thu thập được cho thấy ông Khanh từng tố cáo về vụ xẻ đất công khu di tích lịch sử chiến khu D huyện Tân Uyên cũ (nay là TX Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên).

Trong vụ này, một cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương bị ông Khanh tố năm 2011 đã có dấu hiệu sai phạm trong  khai thác “bán” 25 ha đất công tại tiểu khu 17; còn có sai phạm tại Lâm trường Phú Bình khi 68ha đất công đã hợp thức hóa cho một số cá nhân và Công ty Honda.  

Còn có dấu hiệu sai phạm khi thu hồi 358ha đất của công ty mía đường giao Công ty Cổ phần đầu tư U&I; sau đó lấy lại 100ha giao một doanh nghiệp nhưng thực tế là giao cho một số cá nhân để trồng nông sản.

Ông Khanh còn tố cáo một lãnh đạo đương nhiệm Bình Dương hợp thức hóa 45ha đất đang trồng cao su ở Phú Bình, chiến khu D và có dấu hiệu bất thường khi có cổ phần trong nhiều công ty.

Chưa hết, theo ông Khanh, chiến khu D cũng là nơi có nhiều mỏ khai thác khoáng sản trái phép, móc tài nguyên đất nước đi bán trái phép, để lại những hầm hố sâu hàng chục mét, mưa lũ gây ra sạt lở, nguy hiểm, đường sá hư hỏng, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Khanh cho rằng những nơi khai thác khoáng sản trái phép đều “có chống lưng”.

Diễn biến bất ngờ vụ xử Bí thư Thị ủy Bến Cát (Bình Dương): Bị cáo chưa được nói câu nào, tòa đã tuyên hoãn xử - Ảnh 3

 Một trong nhiều thông tin vị nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát ghi lại trước khi bị bắt.

Đối chiếu với một số tài liệu cơ quan chức năng đã kết luận, nhận thấy một số tố cáo của ông Khanh là có cơ sở. Ví dụ theo Báo cáo số 96/BC–Đ.TTr ngày 15/6/2010 kết quả thanh tra tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Tân Uyên từ 2007 - 2010 và Kết luận Thanh tra số 134/KL–TTr ngày 28/7/2010 của Đoàn Thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương cho thấy có hàng chục cá nhân, công ty khai thác khoáng sản trái phép gây hủy hoại đất trên diện tích 60ha và móc đi khoảng 3,4 triệu tấn khoáng sản gồm đất sỏi đỏ, đất sét gạch, cao lanh; để các cá nhân hưởng lợi, Nhà nước thất thu thuế và nguồn tài nguyên khoảng 50 tỷ; sai quy định Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Khoáng sản.

Điều rất lạ, dù xác định trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, gây thất thoát tài sản nhà nước nhưng trong kết luận lại không xác định hoặc kiến nghị xử lý bất cứ cá nhân, tổ chức nào trong công tác quản lý. Kết luận chỉ cho rằng UBND huyện Tân Uyên kiểm tra, quản lý chưa tốt, chưa áp dụng các quy định pháp luật vào thực tế.

Bên cạnh đó việc chấp hành Chỉ thị 10/2009/CT–UBND ngày 28/5/2009 của UBND tỉnh về tiếp tục tăng cường công tác quản lý với hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản chưa nghiêm. Nhưng không hiểu sao không thấy kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cá nhân ban ngành liên quan? Đối với cá nhân tổ chức khai thác khoáng sản trái phép thì chỉ đề nghị xử phạt, trưng thu thuế, buộc san lấp trả lại hiện trạng ban đầu.

Đến ngày 30/5/2013, Đoàn thanh tra 3690 ra Báo cáo số 148/BC–ĐPTr về kết quả xử lý các trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Tân Uyên (nay là TX Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên).

Báo cáo này cho thấy lời tố cáo “có chống lưng của ông Khanh” có cơ sở. Có 42 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Tân Uyên và có 7 cá nhân không thừa nhận, hoặc quanh co, trốn tránh. Ngoài ra, phát hiện thêm 5 trường hợp khác khai thác khoáng sản trái phép.

Báo cáo này cũng không hề nêu ra trách nhiệm dẫn đến việc khoáng sản bị khai thác trái phép là do cá nhân, cơ quan nào? Hàng loạt các sai phạm các về đất công nhưng theo ông Khanh chưa ai bị xử lý?

Trong vụ án, theo kết quả điều tra của PV, còn có khá nhiều “góc khuất” khác. PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới.

Trong phiên xử hôm qua, còn có các bị cáo Lê Hoài Linh (SN 1972, nguyên GĐ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TX Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (SN 1980, thuộc cấp của Linh), Nguyễn Minh Tâm (SN 1977, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã An Tây) và Đặng Văn Thọ (SN 1969, nguyên cán bộ địa chính xã An Tây) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tin Cùng Chuyên Mục