Diễn biến xét xử phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ: Phan Sào Nam và 16 bị cáo được đề nghị giảm hình phạt

Hồng Mây

Ngày 8/3, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC), Phan Sào Nam (nguyên Giám đốc CTCP VTC truyền thông trực tuyến) và 81 bị cáo khác bước sang ngày làm việc thứ 4. Trong phần này, đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Theo đại diện VKS, sau phiên sơ thẩm VKS tỉnh Phú Thọ đã có kháng nghị đề nghị: không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên; áp dụng tình tiết  giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “tự nguyện khắc phục hậu quả” cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả từ 1/2 số tiền thu lời bất chính trở lên; không tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội “Đánh bạc”.

Sau phiên sơ thẩm có 36 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được cải tạo ngoài xã hội, xin được áp dụng hình phạt tiền và có 1 bị cáo kêu oan về tội “Tổ chức đánh bạc”. Tại  phiên tòa phúc thẩm, có một bị cáo xin rút kháng cáo, một số bị cáo thay đổi xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo. Bị cáo Đoàn Thị Thu Hà (kế toán Công ty CNC) xin được nộp tiền thay cho hình phạt tù về tội “Rửa tiền”.

Diễn biến xét xử phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ: Phan Sào Nam và 16 bị cáo được đề nghị giảm hình phạt - Ảnh 1
Các bị cáo tại toà.

Căn cứ kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKS tỉnh Phú Thọ, lời khai tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng đây là vụ án có quy mô rộng, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó có cả những bị cáo công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, số lượng các bị cáo bị đưa ra xét xử là gần trăm người. Sau khi có bản án sơ thẩm, các bị cáo đã kháng cáo và có liên quan đến kháng nghị của VKS tỉnh Phú Thọ chủ yếu đối với tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”.

Đối với các bị cáo bị xét xử, tuyên án về tội “Tổ chức đánh bạc”, VKS cho rằng việc tuyên án của tòa cấp sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật”. Đối với kháng nghị của VKS tỉnh Phú Thọ, đại diện VKS cấp cao cho rằng đây là vụ án có đồng phạm, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội… Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 48 BLHS quy định những tình tiết đã là yếu tố phạm tội thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Việc tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tổ chức” đối với các bị cáo phạm tội này là chưa đúng pháp luật, gây bất lợi cho các bị cáo.

Cũng theo lời đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa, trong vụ án này, nhiều bị cáo đã tích cực nộp 1/2 số tiền thu lời bất chính nên theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ: khắc phục hậu quả là có căn cứ. Về việc tịch thu số tiền sử dụng vào đánh bạc của 43 bị cáo, đại diện VKS cho rằng không thu giữ được dữ liệu từ các máy chủ về số dư tài khoản của các đại lý, những người chơi bạc tại thời điểm game bài bị đánh sập và cũng không chứng minh được chính xác cuối cùng người chơi bạc thắng hay thua.

Từ những phân tích trên, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa cho rằng kháng nghị của Viện trưởng VKS tỉnh Phú Thọ là có căn cứ nên đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị. VKS cũng đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo và xem xét giảm hình phạt tù cho 16 bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của những người còn lại. Đối với bị cáo Đoàn Thị Thu Hà, VKS cho rằng  tội “Rửa tiền” không có quy định hình phạt tiền, quyết định của bản án sơ thẩm hoàn toàn chính xác.

Trước đó, theo nội dung kháng nghị của VKS, cơ quan này đề nghị tòa phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ: tự nguyện khắc phục hậu quả với bị cáo Phan Sào Nam. Bởi bị cáo này đã tự nguyện nộp tiền và tài sản trên 1.300 tỷ đồng tưởng ứng trên 90% số tiền hưởng lợi do tổ chức đánh bạc mà có, khác với bị cáo Nguyễn Văn Dương chỉ nộp 240 tỷ đồng chỉ gần bằng 17% số tiền hưởng lợi bất chính thì mới đảm bảo sự phân hóa tội phạm trọng vụ án đặc thù này.

Tin Cùng Chuyên Mục