Điều gì khiến nhà đầu tư “nơm nớp” lo sợ khi FED tăng lãi suất lần 4?

Theo Lan Hương/Lao Động

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công, Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhận định gì về động thái tăng lãi suất lần thứ 4 của FED trong năm 2018? FED sẽ còn tăng lãi suất thêm bao nhiêu lần nữa trong năm 2019 và điều này sẽ tác động tới thị trường Việt Nam?

Điều gì khiến nhà đầu tư “nơm nớp” lo sợ khi FED tăng lãi suất lần 4? - Ảnh 1
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công, Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh Lan Hương

- Ông đánh giá ra sao về động thái FED tăng lãi suất trong thời điểm này?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Tính đến cuối năm 2018, FED tăng lãi suất 4 lần. FED bắt buộc tăng lãi suất trong bối cảnh  cả hai yếu tố là chi phí tiền lương và số người có việc làm của Hoa Kỳ tăng cao.

Đáng chú ý, trong khi chính quyền của Tổng thống Donal Trump theo đuổi chính sách nới lỏng ngân sách và giảm thuế thì FED điều hành lãi suất theo hướng ngược lại, thắt chặt tiền tệ.

Vào đầu năm, động thái tăng lãi suất của FED đã gây xáo trộn lên thị trường tài chính toàn cầu. Đồng USD lên giá so với hàng loạt đồng nội tệ khác. Các thị trường chứng khoán trên thế giới trải qua một năm giảm điểm. Đặc biệt các thị trường mới nổi rơi vào tình trạng bất ổn và thậm chí là khủng hoảng về tài chính. 

Sang năm 2019, FED dự báo chỉ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa để đưa lãi suất đồng USD lên 3%, đây được đánh giá là mức lãi suất ổn định, cân bằng trong trung hạn. 

- Điều đáng lo ngại nhất sau động thái tăng lãi suất của FED là gì?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Việc FED 4 lần tăng lãi suất trong năm 2018 không khiến thị trường quá bất ngờ do đã được dự báo từ trước. Cái quan ngại hiện nay không phải là FED tăng lãi suất, mà là tâm lý của nhà đầu tư.

Mọi người đều nơm nớp lo ngại liệu thị trường chứng khoán toàn cầu và đặc biệt Hoa Kỳ có tiếp tục điều chỉnh nữa không? Lợi nhuận các công ty niêm yết sẽ ra sao? 

Thêm vào đó là lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ giảm tốc trong năm 2019. Tại Hoa Kỳ, động thái giảm thuế kích thích đầu tư doanh nghiệp trong năm 2019 sẽ không còn nữa. Việc tăng trưởng 2 nền kinh tế lớn nhất đều chậm lại trong năm 2019 khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lo ngại. Mọi con mắt đều đổ dồn vào việc điều hành chính sách của Ngân hàng trung ương các nước sẽ ra sao  để tránh xảy ra xáo trộn trong năm 2019. 

- Khi hai nền kinh tế lớn trên thế giới đều giảm tốc, vậy điều này sẽ ảnh hưởng gì tới tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thưa ông? 

Ông Nguyễn Xuân Thành: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 nhưng lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao gần nhất. Sự suy giảm tăng trưởng hai thị trường này sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm hơn.

Việt Nam sẽ có một số cơ hội xuất khẩu có được từ chiến tranh thương mại do một số ngành hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ chịu thuế cao hơn thì xuất khẩu Việt Nam có cơ hội để thế chỗ. Tuy nhiên, nhìn chung tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam chậm lại. 

Trong bối cảnh đó, để GDP của Việt Nam có con số tăng trưởng tốt trong năm 2019, đầu tư và tiêu dùng cần đi kịp tốc độ tăng trưởng.

- Xin cảm ơn ông

Tin Cùng Chuyên Mục