Đỗ Thái Đăng: “Giáo dục cần xuất phát từ tình yêu thương”

Hiền An

Với gần mười năm trong lĩnh vực đào tạo, Đỗ Thái Đăng đã thay đổi tư duy của hàng chục ngàn người để họ có cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn. Với anh, giáo dục cần có tâm, có tầm, có phương pháp đúng đắn và  tình yêu thương vô hạn.

Anh có thể chia sẻ về phương pháp đào tạo NLP? Phương pháp này có những ưu điểm vượt trội gì?

NLP là một phương pháp đào tạo bắt nguồn từ Mỹ. Bản chất của nó là một công cụ tâm lý giúp con người có thể trở thành phiên bản tốt nhất của mình về tất cả các mặt như: Năng lượng, thái độ, niềm tin, giá trị sống, thói quen. Nói một cách hoa mỹ thì đây là công thức tuyệt vời để có bữa ăn thịnh soạn cho cuộc đời của mỗi người. Cái đích cuối cùng của NLP là giúp con người hướng đến cuộc sống mà bản thân họ mong muốn.

NLP đi sâu vào phân tích và giải quyết triệt để những vấn đề từ bên trong tiềm thức, tạo ra sự thay đổi tích cực về suy nghĩ, hành vi, thói quen của con người. Đây chính là ưu điểm vượt trội, là điểm đặc trưng mang lại hiệu quả cao của phương pháp NLP.

 Đỗ Thái Đăng: “Giáo dục cần xuất phát từ tình yêu thương” - Ảnh 1

Đỗ Thái Đăng, Nhà đào tạo quốc tế NLP Trainer, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đào tạo VIG

 
Ở Việt Nam hiện nay, nhìn chung nền giáo dục vẫn còn quá cứng nhắc và lệ thuộc vào kỷ luật. Kỷ luật đương nhiên là rất tốt và cần thiết. Nhưng trong mô phạm giáo dục, kỷ luật cần dựa trên tình yêu thương

Theo anh, đào tạo tư duy có gì khác biệt và khó khăn hơn so với đào tạo kiến thức thông thường?

Nếu như đào tạo thông thường có những công thức rõ ràng thì ngược lại, đào tạo tư duy không hề đi theo một lối mòn sẵn có nào cả. Đào tạo tư duy bắt buộc nhà đào tạo phải tập trung hoàn toàn vào người học, phải chơi cuộc chơi của họ để can thiệp và đi sâu vào tiềm thức.

Tư duy là một khái niệm trừu tượng không dễ gì nắm bắt được nên cách giáo dục tư duy hiệu quả nhất chính là để người học tự giác ngộ ra. Tức là phải tạo ra bối cảnh để người học trải nghiệm và dẫn dắt họ đi đến đích chứ không phải áp đặt những lý thuyết suông, những giáo điều sáo rỗng. Muốn làm được điều đó đòi hỏi cái tâm của người đào tạo, những người luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người học và mong muốn, giúp đỡ họ thay đổi. Nhưng suy cho cùng, dù là đào tạo tư duy hay đào tạo trong bất cứ lĩnh vực nào thì người dạy đều cần phải có tâm, niềm đam mê, năng lực và trách nhiệm.

Anh xác định trách nhiệm của mình trong vai trò một nhà đào tạo là gì?

Năng lực tư duy và trí thông minh của con người chỉ tăng lên khi họ là phiên bản tốt nhất của họ. Nhưng có rất nhiều người không ý thức được mình đang làm gì trong chính cuộc đời mình, tại sao mình đang sống như vậy, tại sao mình không sống như những gì mình mong muốn. Và sứ mệnh của những người đào tạo tư duy là khơi dậy sự tự tin ở mỗi con người. Để họ tin vào bản thân mình, tin vào năng lực của mình, tin vào giá trị sống của mình và dám hành động vì niềm tin đó.

Việc đào tạo tư duy còn vấp phải những khó khăn đặc biệt nào, thưa anh? Và anh làm thế nào để giải quyết những khó khăn đó?

Thay đổi tư duy của một người không thể là câu chuyện một sớm một chiều, nó phụ thuộc rất lớn vào môi trường. Bởi môi trường tạo ra con người, môi trường cũng tạo ra hành vi. Tại môi trường lớp học, học viên có thể tiếp nhận những tư duy tích cực, có thể thay đổi một phần nhận thức nhưng khi rời khỏi đó, họ lại chịu ảnh hưởng của môi trường khác, tư duy khác do vậy hiệu quả không thể quyết định chỉ từ một phía là đào tạo.

Một rào cản không kém đó chính là thời gian. Người Việt thường có tâm lý luôn muốn nhanh và ngay. Song họ không hiểu rằng thay đổi tư duy là cả một hành trình dài. Hạnh phúc và các mối quan hệ cũng phải từ từ vun đắp. Đó chính là lý do tôi muốn xây dựng nên những trung tâm đào tạo bài bản, quy mô. Ở đó, mọi thứ đều được tuân thủ theo đúng quy trình để có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

 Đỗ Thái Đăng: “Giáo dục cần xuất phát từ tình yêu thương” - Ảnh 2

 

Theo tôi, trong xã hội phẳng, bất kỳ một công ty, doanh nghiệp nào dù quy mô lớn hay nhỏ, nếu không có uy tín thì sẽ tồn tại không quá 2 năm. Ba giá trị sống lớn nhất của tôi là hạnh phúc, cống hiến và sự hiệu quả. Tôi luôn quan niệm, làm bất cứ việc gì, đặc biệt là giáo dục thì cần có tâm, có trách nhiệm, làm đến nơi đến chốn và phải có kết quả. Kết quả sau 10 năm gắn bó với nghề đào tạo của tôi là có đến hơn 90% khách hàng của VIG do giới thiệu chứ không phải đi chào mời hay quảng cáo quá nhiều.

Là một nhà đào tạo, anh đánh giá và hy vọng thế nào về lĩnh vực đào tạo tại Việt Nam? Mục tiêu của anh trên những chặng đường sắp tới?

Ở Việt Nam hiện nay, nhìn chung nền giáo dục vẫn còn quá cứng nhắc và lệ thuộc vào kỷ luật. Kỷ luật đương nhiên là rất tốt và cần thiết, nhưng trong mô phạm giáo dục, kỷ luật cần dựa trên tình yêu thương. Kỳ vọng của tôi là trong vòng 3 năm nữa có thể đề xuất lên Bộ Giáo dục và Đào tạo việc thành lập chuỗi trung tâm đào tạo để lan tỏa đến thế hệ giáo viên trong cả nước phương pháp NLP.

Trong thời gian trước mắt, chúng tôi sẽ làm những chương trình, khóa học đào tạo miễn phí cho các con và bố mẹ về làm chủ tư duy và cảm xúc. Từ giờ đến đầu năm 2018, tôi sẽ quay một bộ chương trình miễn phí về tư duy nuôi dạy con dành cho các bố mẹ. Hy vọng sự đóng góp của tôi cũng như VIG sẽ đem đến những thay đổi để tất cả mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), anh muốn gửi lời chúc gì đến những người đang ngày ngày cống hiến cho ngành đào tạo?

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người thầy, không chỉ là  người đứng trên bục giảng mà còn là những người có đóng góp cho giáo dục trên bất kỳ phương diện nào. Chúc những thầy cô, những nhà đào tạo luôn luôn đạt được sự cân bằng trong cuộc sống, giữ được tâm huyết với nghề và có thêm nhiều phương pháp đào tạo mới, hiệu quả hơn nữa.

Tin Cùng Chuyên Mục