Doanh nghiệp bất động sản ồ ạt gọi vốn chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid

Quỳnh Chi

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang chạy đua phát hành trái phiếu và thực hiện các thương vụ M&A nhằm huy động vốn, sẵn sàng bật trở lại khi dịch được kiểm soát.

Chạy đua phát hành trái phiếu

Những tháng cuối năm 202, thị trường bất động sản xuất hiện những kế hoạch gọi vốn ấn tượng của doanh nghiệp, trong đó đầu tiên phải kể đến trái phiếu.

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, cho thấy trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trị thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng, chỉ sau nhóm ngân hàng.

Điển hình phải kể đến một số công ty và dự án nổi bật như Alpha City huy động 8.060 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill và Công ty cổ phần Đầu tư Voyage, Vingroup là 4.375 tỷ đồng, Hưng Thịnh Quy Nhơn là 4.000 tỷ đồng... 

Ngoài ra, có 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty cổ phần bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (300 triệu USD).

Một doanh nghiệp cũng thực hiện các đợt phát hành trái phiếu dày đặc là Công ty cổ phần Hải Phát. Từ ngày 5/5/2021 đến ngày 6/7/2021, Công ty thực hiện 4 đợt phát hành trái phiếu vào các ngày 5/5, 17/5, 8/6 và ngày 6/7, với tổng lượng vốn huy động được là 950 tỷ đồng.

Như vậy, trong bối cảnh nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp rất lớn và thị trường cổ phiếu nhiều biến động, kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một sự lựa chọn mang tính chiến lược về vốn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bất động sản chạy đua huy động vốn. Ảnh minh hoạ
Doanh nghiệp bất động sản chạy đua huy động vốn. Ảnh minh hoạ

Thương vụ M&A sôi động

Bên cạnh huy động trái phiếu, thị trường bất động sản cũng nổi lên những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với sự tham gia tích cực của cả nhà đầu tư ngoại và nội.

Đơn cử như: Công ty cổ phần và Phát triển Bất động sản Phát Đạt mua lại 99,5% cổ phần Công ty cổ phần Bất động Sản Đầu tư và Phát triển Cao ốc Bình Dương để sở hữu dự án Bình Dương Tower.

Hay với Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền, doanh nghiệp này cũng vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ tại 2 công ty con là Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Kim Phát nhằm thực hiện tham vọng mở rộng quỹ đất ở TP. Thủ Đức...

Mới đây, Sunshine Group cũng mua lại giai đoạn 2 dự án Cocobay Đà Nẵng từ Empire Group với tham vọng xây dựng một tổ hợp nghỉ dưỡng phức hợp tiêu chuẩn 6 sao có tên gọi Sunshine Heritage Đà Nẵng.

Ngoài ra, có thể kể đến các dự án đến từ nhóm doanh nghiệp Trung Quốc, Singapore vào Quảng Ninh, Bắc Giang. Liên doanh SEA Logistics Partners (SLP) và GLP - đơn vị quản lý vận hành kho bãi lớn nhất Trung Quốc đã mua được 5 dự án đất công nghiệp tại Việt Nam. Sau đó 1 tháng, Tập đoàn Boustead ProjeCông ty s (Singapore) đã mua lại 49% cổ phần của Công ty cổ phần phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh với giá khoảng 7 triệu USD.

Nhiều thương vụ M&A bất động sản diễn ra bất chấp dịch bệnh. Ảnh minh hoạ.
Nhiều thương vụ M&A bất động sản diễn ra bất chấp dịch bệnh. Ảnh minh hoạ.

Bà Lê Phương Lan, Trưởng Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội cho hay, trong thời gian qua, các thương vụ M&A thành công đứng về số lượng là giữa các nhà đầu tư trong nước, tiếp đến là các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện và hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Theo bà Lan, M&A dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài không nhiều như các thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước, bởi không dễ để một dự án có thể thoả mãn các yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch thì các thương vụ M&A có giá trị dẫn đầu lại nằm ở các thương vụ thâu tóm thực hiện bởi các nhà đầu tư quốc tế.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, trước đây, doanh nghiệp ít nghĩ đến những yếu tố bất định như dịch bệnh Covid-19, có chăng chỉ là các yếu tố thiên tai như bão, lũ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian ngắn, chứ chưa bao giờ kéo dài như dịch bệnh lần này.

Ông Quốc Anh nhận định: “Trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp nào huy động được vốn sẽ có nhiều lợi thế. Cùng với đó, đã đến lúc các doanh nghiệp nghĩ đến việc có riêng một quỹ dự phòng, một chiến lược vốn, kế hoạch kinh doanh dài hạn để chuẩn bị cho các sự cố tương tự như dịch bệnh lần này có thể xảy ra trong tương lai”.

Tin Cùng Chuyên Mục