Doanh nghiệp đã vay được gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng

Người lao động

Có 40 doanh nghiệp đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân cho vay trả lương ngừng việc theo gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% trong vòng 12 tháng

Ngày 22/11, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết thống kê đến ngày 17/11 đã có 16 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, TP được phân bổ vốn theo Quyết định số 32/2020 của Chính phủ để ký hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc với người lao động. Theo đó, đã có 40 doanh nghiệp với 1.195 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã được giải ngân số tiền hơn 6 tỷ đồng. Hiện chi nhánh các tỉnh, TP khác trong hệ thống ngân hàng này vẫn tiếp tục phối hợp cùng khách hàng hoàn thiện hồ sơ và lên kế hoạch giải ngân.

Ngành du lịch đã nỗ lực khôi phục thị trường nội địa sau khi bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Du khách tham quan một điểm đến ở tỉnh Quảng Ninh
Ngành du lịch đã nỗ lực khôi phục thị trường nội địa sau khi bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Du khách tham quan một điểm đến ở tỉnh Quảng Ninh

Mới đây, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã ký hợp đồng và giải ngân vốn cho Công ty TNHH MTV Mai Linh Thái Nguyên để trả lương đối với người lao động ngừng việc. Đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh vay theo chính sách này. Tại lễ ký kết, lãnh đạo Công ty Mai Linh Thái Nguyên cho biết để tiếp tục hoạt động và bảo đảm nguồn nhân lực, doanh nghiệp vẫn trả lương cho 33 lao động bị ngừng việc ở mức sống tối thiểu. Do đó, doanh nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục để được vay, giải ngân gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết thời gian qua doanh nghiệp vẫn luôn tìm hiểu thông tin về các gói hỗ trợ của nhà nước trong bối cảnh nhiều ngành bị tác động nặng nề của dịch Covid-19, trong đó có ngành du lịch. "Nhiều doanh nghiệp được giải ngân vốn vay ưu đãi 0% lãi suất từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng sẽ là động lực để các doanh nghiệp khác, trong đó có Lữ hành Fiditour, mạnh dạn gửi hồ sơ xin vay ưu đãi. Bởi đối với các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn do đại dịch, tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, giữ nguồn nhân sự chất lượng" - ông Dũng nói.

Như đã phản ánh, thời gian qua nhiều doanh nghiệp chia sẻ rất khó đáp ứng điều kiện, thủ tục để được vay ưu đãi lãi suất 0% nhằm trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154 và Quyết định 32 nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với gói ưu đãi 16.000 tỷ đồng. Quyết định số 32/2020 được ký ngày 19-10 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng nới lỏng điều kiện cho vay. 

Theo đó, khách hàng sẽ được phê duyệt cho vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện như có người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết 31/12/2020; có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019. Những khách hàng đủ điều kiện vay vốn sẽ được vay tối đa 1 tháng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng nhân với số người lao động bị ngừng việc. Mỗi khách hàng được vay vốn không quá 3 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết 31/12/2020 với lãi suất 0%, thời hạn 12 tháng. Việc giải ngân được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục