Doanh nghiệp trong nước phải lớn lên trong dòng vốn FDI

Thanh Thanh

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, thay vì phê phán doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) đang lấn át DN trong nước thì cần thúc đẩy chính các DN trong nước để kết nối với DN FDI…

Doanh nghiệp trong nước phải lớn lên trong dòng vốn FDI - Ảnh 1
Thực tế nhiều doanh nghiệp FDI rất khó tìm đối tác trong nước để cung ứng linh kiện, phụ tùng... (Ảnh minh họa)

Định vị các thành phần kinh tế

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đến năm 2030”.

Tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho rằng Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này đã đưa ra những định hướng chủ trương về thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này.

Đặc biệt, Nghị quyết đã sử dụng chữ “hợp tác” chứ không phải thu hút và sử dụng. Điều này thể hiện sự bình đẳng, chủ động của chúng ta trong làm việc với các đối tác nước ngoài và đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà ĐTNN khi họ đầu tư vào Việt Nam…

Nghị quyết 50-NQ/TW cũng định vị lại thành phần kinh tế ĐTNN là một thành phần kinh tế của nền kinh tế Việt Nam, bình đẳng với tất cả thành phần kinh tế khác và phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

“Chúng ta phải xuất phát từ đường lối của Đảng để khẳng định rất rõ định vị khu vực kinh tế trong nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta khẳng định kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã tạo thành nền tảng của nền kinh tế. Khi xác định khu vực kinh tế trong nước là nền tảng, có nghĩa FDI sẽ đóng vai trò như khu vực bổ trợ. Khu vực liên kết, tích hợp với khu vực trong nước...”- TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lưu ý.

Bình luận về các mục tiêu mà khu vực FDI đạt được trong Nghị quyết 50-NQ/TW, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho rằng các mục tiêu đó là vừa phải. “Chúng ta đã tính toán đến nhằm để tránh khu vực vốn ĐTNN lấn át khu vực kinh tế trong nước, chỉ đảm bảo để khu vực ĐTNN tiếp tục thúc đẩy, lôi kéo phát triển thành phần Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ông cũng cho rằng, tổng mức đầu tư của nguồn ĐTNN trong giai đoạn tới ở mức khoảng từ 20 – 25% tổng mức đầu tư toàn xã hội, đây là mức độ rất vừa phải, bảo đảm tính an ninh của nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của nền kinh tế đất nước.

“Vừa kéo, vừa đẩy…”

Nghị quyết 50-NQ/TW cũng đề cập đến vấn đề đảm bảo tính kết nối liên thông giữa ĐTNN với thị trường trong nước là một yêu cầu rất bắt buộc và cũng chỉ ra những định hướng rất rõ ràng.  Ngoài việc khuyến khích các nhà ĐTNN chuyển giao công nghệ, khuyến khích DN nước ngoài mua hàng hóa của DN trong nước, Bộ Chính trị cũng chỉ ra những giải pháp hỗ trợ DN trong nước. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, đó là  các giải pháp “vừa kéo vừa đẩy”.

“Chúng ta cần tập trung hỗ trợ thúc đẩy các DN của Việt Nam dần dần bắt kịp, hướng tới thay thế DN FDI về mặt công nghệ, khoa học, quản trị... chứ không phải quan điểm do sợ nước ngoài phát triển mạnh quá mà ta phải kéo xuống…”- Thứ trưởng bảy tỏ quan điểm và cho rằng một mặt vẫn phải thúc đẩy khu vực ĐTNN nhưng cũng phải ưu tiên tập trung hỗ trợ cho DN trong nước phát triển cao hơn… “Đó là mục tiêu và đúng như quan điểm của Đảng xuyên suốt từ trước đến nay, ngoại lực quan trọng nhưng nội lực là yếu tố quyết định…”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Từ thực tế các DN FDI rất khó tìm đối tác trong nước để cung ứng linh kiện, phụ tùng mà phải mua ở nước ngoài, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần phải đảm bảo rằng khu vực DN trong nước phải có khả năng kết nối với FDI. “DN Việt Nam được nâng cấp cao hơn có thể tạo ra sản phẩm dịch vụ đáp ứng được cho các nhà ĐTNN ...” - ông Lộc nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành nêu lên một thực tế là đang có sự chênh lệch về chính sách ưu đãi, DN Việt Nam yếu thế về vốn, công nghệ, trình độ quản trị DN lại không được ưu đãi, trong khi DN FDI có đầy đủ tất cả lại được hưởng ưu đãi. “Tôi cho rằng thay đổi nhận thức của người quản trị DN trong nước với chính sách ưu đãi giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư trong nước, phải làm đồng bộ, như vậy chúng ta mới có kỳ vọng là DN trong nước sẽ lớn lên trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi vào Việt Nam…”- ông Thành đề nghị…

Tin Cùng Chuyên Mục