Doanh nhân Việt được mời phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản

Theo Phong Điền/Pháp Luật TPHCM

Một doanh nhân Việt vừa được Quốc hội Nhật Bản mời phát biểu trước các nghị sĩ về dự án luật mới đối với lao động nhập cư ở lại lâu dài tại Nhật.

Doanh nhân Việt được mời phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản - Ảnh 1

Chiều ngày 22-11, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Eshuhai, đã có bài phát biểu tham vấn trước các nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản.

Doanh nhân Việt Nam này được mời phát biểu trước các nghị sĩ để lấy ý kiến về dự án luật mới về việc lao động nhập cư ở lại lâu dài tại Nhật thời gian tới.

Sau bài phát biểu về chương trình thực tập sinh (TTS) hiện tại và ý kiến tham vấn về chương trình lao động mới được phép cư trú lâu dài tại đất nước mặt trời mọc, tại Tokyo thủ đô Nhật Bản, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Sơn cho hay: Phiên họp này chỉ có duy nhất ông là chuyên gia nước ngoài bên cạnh năm chuyên gia là giáo sư danh dự của các trường đại học uy tín đóng góp ý kiến cho quốc hội.

Doanh nhân Việt được mời phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản - Ảnh 2

Thực tập sinh Việt Nam đang làm việc trong ngành điện tử tại Nhật Bản. Ảnh: P.ĐIỀN

Theo ông Sơn, sau bài phát biểu, mỗi chuyên gia được bảy nghị sĩ trực tiếp chất vấn về những điểm tích cực và tác động tiêu cực đến xã hội Nhật nếu dự luật được thông qua.

Cụ thể, các nghị sĩ tập trung lắng nghe về ý nghĩa của chương trình TTS thời gian qua và ý kiến về chương trình tiếp nhận lao động mới thời gian tới nên thiết kế như thế nào cho có hiệu quả.

Còn các nghị sĩ đảng đối lập thì quan tâm đến các vấn đề nhân quyền, bạo lực và tiền lương thấp (dưới 300 yen/giờ). Còn các luật sư phản hồi thông tin đối với TTS bỏ trốn ra ngoài cầu cứu,... trong đó xoáy vào các công ty phái cử thiếu trách nhiệm khiến TTS sang làm việc bị thiệt thòi.

"Tóm lại các nghị sĩ nhắm vào các nhóm vấn đề trên để phản biện đối với dự án luật này" - ông Sơn nói.

Sau khi nghe các ý kiến chất vấn từ các nghị sĩ, ông Sơn đã có ý kiến phản hồi phía Công ty Eshuhai không thu tiền đặt cọc, thế chấp và thu phí thấp, chất lượng đào tạo cao nên kết quả; trong số 564 khách hàng, đối tác thì có tới 100 khách hàng đã và đang sang đầu tư tại Việt Nam.

TTS các công ty này khi về nước đều được bố trí các vị trí quản lý, giám đốc các công ty đó nên phía công ty không than phiền chương trình hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực Việt-Nhật. Bởi thông qua chương trình TTS tạo cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên trong nước lập thân, lập nghiệp tương lai.

Ông Sơn thông tin thêm đến nay Công ty Eshuhai đã đưa 4.000 TTS, kỹ sư sang Nhật làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó có hơn 1.000 TTS đã về nước, hầu hết đã có việc làm trở lại, trong đó 500 TTS có việc làm tốt, thu nhập cao.

"Sau phát biểu của tôi, các nghị sĩ đã đến bắt tay chúc mừng, tôn trọng cách làm của chúng tôi, kể cả nghị sĩ đảng đối lập hài lòng về cách làm của công ty chúng tôi nên họ không có thêm ý kiến chất vấn. Các nghị sĩ đảng đối lập cho hay họ mong muốn các công ty phái cử làm tốt.

Tôi nhìn nhận phải siết khâu quản lý đi kèm chế tài để loại bỏ các yếu tố chưa tốt ra, còn làm tốt thì nên khuyến khích" - ông Sơn chia sẻ.

Tin Cùng Chuyên Mục