Doanh số bán PC trên toàn cầu giảm do người dùng thắt chặt chi tiêu

Linh Anh

So với cùng kỳ năm trước, các lô hàng máy tính để bàn và máy tính xách tay trên toàn thế giới đã giảm 19,5% trong quý III/2022.

Thị trường máy tính PC toàn cầu đã chứng kiến mức sụt giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ở chịu áp lực từ lạm phát, việc tăng lãi suất, cũng như xung đột địa chính trị... Số lượng hàng tồn kho tăng đã khiến doanh số bán máy tính PC toàn cầu giảm trong 4 quý liên tiếp, theo Bloomberg.

Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu dữ liệu Gartner, so với cùng kỳ năm trước, các lô hàng máy tính để bàn và máy tính xách tay trên toàn thế giới đã giảm 19,5% trong quý III/2022. Đây là mức giảm lớn nhất mà Gartner đã ghi nhận trong hơn hai thập kỷ theo dõi thị trường.

Số liệu thống kê của công ty nghiên cứu dữ liệu Gartner về tình hình bán máy tính của các hãng
Số liệu thống kê của công ty nghiên cứu dữ liệu Gartner về tình hình bán máy tính của các hãng

Lenovo Group Ltd. vẫn là nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới trong quý III dù cho lượng hàng hóa xuất xưởng của hãng đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Gartner. Trong số 5 nhà cung cấp PC hàng đầu thế giới hiện nay, HP Inc có mức sụt giảm doanh số lớn nhất trong quý III với mức giảm lên tới gần 28% so với quý III/2021.

Doanh số bán PC trên toàn cầu hoàn toàn phù hợp với thời kỳ biến động của ngành công nghệ. Có thể nói, ngành này hiện đang đối mặt với nhiều hạn chế sau khi chính phủ Mỹ áp đặt một số lệnh cấm vận đối với việc xuất khẩu chip và công nghệ sang Trung Quốc vào tuần trước.

Giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) cũng chứng kiến mức giảm mạnh nhất từ ​​trước đến nay trong phiên giao dịch ngày 11/10.

Các nhà cung cấp PC và các nhà cung cấp chip lớn như Advanced Micro Devices Inc. (AMD) đã cảnh báo thị trường máy tính sẽ chậm lại trong năm nay. Theo giới chuyên gia, nhu cầu sắm PC để phục vụ hình thức làm việc từ xa và học trực tuyến trong đại dịch đã giảm xuống trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, qua đó giảm bớt động lực tăng trưởng đối với thị trường. 

Trên thực tế, khối lượng vận chuyển PC hiện tại vẫn tương đương so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát và các nhà sản xuất PC vẫn tích cực tuyển dụng nhân sự. Điều này cho thấy nhu cầu thương mại vẫn ở mức chấp nhận được.

Dù vậy, theo Canalys - một đơn vị theo dõi thị trường khác cũng cho rằng, việc cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ sau đại dịch có thể khiến thị trường PC chịu tác động tiêu cực trong năm 2023. Dẫu vậy, một tương lai tươi sáng hơn được dự đoán sẽ mở ra vào nửa cuối năm sau. 

Nhà phân tích Ishan Dutt của Canalys chia sẻ, “Sự suy giảm nhu cầu nhanh chóng trên tất cả các phân khúc là một dấu hiệu cần xem xét đối với cả nhà cung cấp lẫn bên liên quan trong toàn bộ chuỗi cung ứng PC. Những ông lớn ngành chip như Intel và AMD đang đối mặt với khó khăn do sự yếu kém trong mảng kinh doanh PC. Trong khi đó, các nhà sản xuất linh kiện nhỏ hơn, từ vi mạch đến bộ nhớ, đang cắt giảm sản lượng và hạ dự báo thu nhập cho cả năm”.

Tin Cùng Chuyên Mục