Doanh thu quý 1/2023 sụt giảm mạnh, Camimex Group (CMX) vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng mạnh trong bối cảnh thị trường khó khăn

An Nhiên

Trong bối cảnh xuất khẩu tôm của Việt Nam liên tục sụt giảm các tháng đầu năm, Camimex vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2023, tương ứng đạt 100 triệu USD, sản lượng xuất khẩu đạt 10.000 tấn thành phẩm.

Tham vọng kế hoạch kinh doanh tăng trong bối cảnh thị trường khó khăn

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Camimex Group (mã CK: CMX) mới đây đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023.

Doanh thu quý 1/2023 sụt giảm mạnh, Camimex Group (CMX) vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng mạnh trong bối cảnh thị trường khó khăn - Ảnh 1

Cụ thể, doanh nghiệp đã đặt mục tiêu 2023 với kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD, sản lượng xuất khẩu đạt 10.000 tấn thành phẩm. Tổng doanh thu kỳ vọng 3.053 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 103 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2022.

CMX định hướng phấn đấu mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái lên 20.000 ha cùng với việc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, từng bước tự chủ một phần nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh phấn đấu tới 2025, tự chủ 20-30% nguyên liệu tôm Vannameil đầu vào.

Đồng thời, Công ty cũng định hướng đầu tư sang lĩnh vực chế biến cá (chế biến cá tuyết, cá minh thái, cá chẽm, cá hồi), đầu tư nuôi cá (cá hồi, cá chẽm).

Thêm vào đó, hoàn thiện nhà máy chế biến số 1 (Xí nghiệp 1) với tổng giá trị đầu tư là 303 tỷ đồng. Và tìm kiếm các nhà đầu tư cho các công ty con để tăng cường tiềm lực tài chính cũng như quy mô hoạt động kinh doanh.

Có thể nói, kế hoạch kinh doanh tham vọng của CMX được đưa đề xuất trong lúc tình hình xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam trong tháng 4 vẫn tiếp tục sụt giảm. Tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK thủy sản của cả nước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. XK các nhóm mặt hàng của Việt Nam hiện đều giảm so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu tôm đạt 887 triệu USD giảm 37%; Cá ngừ đạt 248 triệu USD giảm 33%; Cá tra đạt 570 triệu USD giảm 41%;

Nguồn: VASEP
Nguồn: VASEP
Doanh thu quý 1/2023 sụt giảm mạnh, Camimex Group (CMX) vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng mạnh trong bối cảnh thị trường khó khăn - Ảnh 2

Riêng về mặt hàng tôm xuất khẩu, hiện tại tôm Việt Nam được XK sang 92 thị trường. Trong đó chủ yếu là xuất khẩu tới các thị trường trọng điểm là Mỹ (chiếm 18% tỷ trọng), Nhật (chiếm 16% tỷ trọng), Trung Quốc, Hàn Quốc…

Trong đó 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sang mỹ đạt 159 triệu USD giảm 45%; Riêng trong tháng 4, xuất khẩu sang thị trường này đạt 55 triệu USD giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp theo là các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ghi nhận giảm quanh mức 30%. Trong đó tháng 4 xuất khẩu tôm sang Nhật bản đạt 41 triệu USD giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 146 triệu USD giảm 28% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm kim ngạch xuất khẩu tôm đến các nước chủ yếu là do việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trước tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng chính trị…Tình hình dự kiến sẽ gây nhiều thách thức cho hoạt động XK tôm của Việt Nam như CMX.

CMX cũng mới công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 242 tỷ đồng giảm 49% so với cùng kỳ năm trước và giảm 66% so với quý liền trước. Lãi gộp ghi nhận 69 tỷ đồng, giảm 13%. Lợi nhuận sau thuế quý 1 giảm 8% về mức 23 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đi ngược lại với sự sụt giảm của doanh thu, lại là sự gia tăng đáng kể của chi phí tài chính tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ lên mức 30,6 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 16,7 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 16,8% so với cùng kỳ lên mức 17,3 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc quý I, Camimex đã hoàn thành 8% kế hoạch doanh thu của năm và 22,3% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Tính đến ngày 31/3/2023, quy mô tài sản của Camimex đạt 2.888 tỷ đồng, giảm nhẹ từ mức 2.914 tỷ đồng đầu năm. Trong đó, có 222 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn ghi nhận dưới dạng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Hàng tồn kho tăng hơn 23% đạt 1.196 tỷ đồng.

FiinRatings xếp hạng tín nhiệm ở mức “ổn định”

Mới đây, tại công bố xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đối với Công ty Cổ phần Camimex Group, FiinRatings xếp hạng tín nhiệm dài hạn nhà phát hành ở mức BB, triển vọng ổn định. Hồ sơ kinh doanh của CMX được đánh giá ở mức trung bình.

Camimex được thành lập từ năm 1977, là một trong những công ty đầu tiên của ngành thuỷ sản Việt Nam.

Công ty sở hữu ba nhà máy chế biến với tổng công suất khoảng 18,360 tấn thành phẩm/năm. Quy mô hoạt động và nguồn lực của công ty được đánh giá ở mức trung bình so với các công ty trong ngành, với giá trị xuất khẩu năm 2022 chiếm khoảng 2% thị phần xuất khẩu tôm cả nước.

Mặt khác, theo đánh giá của FiinRatings về hiệu quả hoạt động của CMX thấp hơn các doanh nghiệp tương đồng, thể hiện qua mức vòng quay tài sản cố định và vòng quay hàng tồn kho của CMX đều thấp hơn so với trung bình ngành.

Trong giai đoạn 2023-2024, CMX có kế hoạch đầu tư nâng công suất chế biến cũng như phát triển vùng nuôi công nghệ cao và cải thiện được hiệu suất hoạt động và khả năng sinh lời, tuy nhiên những dự án này sẽ cần thêm thời gian để có thể đem lại hiệu quả cho công ty.

Về hồ sơ rủi ro tài chính của CMX được FiinRatings đánh giá ở mức tương đối cao, phản ánh khả năng thanh toán ở mức trung bình so với các doanh nghiệp hoạt động trong một ngành có mức độ rủi ro tài chính tương đối cao như thủy sản, với đặc điểm chung là mức nhu cầu vay nợ ngắn hạn tương đối cao để tài trợ vốn lưu động.

Thêm vào đó, CMX có hệ số Nợ vay/ EBITDA ở mức 6.28x, cao hơn mức trung bình 3.18x của các doanh nghiệp trong ngành, tuy vậy khả năng bao phủ nợ vay và lãi vay của CMX vẫn ở mức phù hợp, thể hiện qua chỉ số thanh toán hiện hành 1.47x và EBITDA/Lãi vay ở mức 5.06x.

Thêm vào đó, vị thế thanh khoản cho 12 tháng tới ở mức phù hợp, với tỷ lệ Nguồn thanh khoản/Mức sử dụng thanh khoản được ước tính mức 1.03x lần trong 12 tháng tới.

Mức điểm Xếp hạng tín nhiệm và triển vọng cũng thể hiện những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu Thủy sản Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm 2023 như biến động về chính trị và nguồn cung ứng cũng như lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường xuất khẩu ảnh hưởng tới sức mua, biến động tỷ giá hay chi phí logistic khiến giá vật tư, nguyên liệu tăng mạnh; thiếu nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành hàng hóa, dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, trong dài hạn, tính khả quan về tiềm năng ngành với lợi thế địa lý nhờ sở hữu một hệ thống sông ngòi dày đặc, đường bờ biển dài, cộng với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Tin Cùng Chuyên Mục