Dự án EcoLife Tây Hồ: Cư dân mong một "lối về"

Trường Giang

Lối vào duy nhất EcoLife Tây Hồ hiện nay là con đường đất chạy ven mương không có rào chắn, không đèn chiếu sáng, ổ gà, ổ trâu đầy mặt đường, chưa kể xe “hổ vồ” ra vào ngày đêm khiến cư dân khu chung cư cao cấp này nơm nớp mỗi khi di chuyển về nhà.

Mục sở thị “con đường đau khổ”

Có mặt tại con đường nối Nguyễn Văn Huyên sang Võ Chí Công ngày 24/3, nhóm phóng viên Doanhnhan.vn ghi nhận bức xúc của cư dân mua căn hộ tại các dự án như EcoLife Tây Hồ, dự án nhà ở công nhân viên Học viện Quốc phòng và dự án Bắc Hà...

Anh Nguyễn Thế Bình (chủ căn hộ tầng 16 EcoLife Tây Hồ) cho biết khi nhận nhà cư dân không phàn nàn gì về không gian sống cũng như chất lượng xây dựng song quá lo ngại khi phải đi qua con đường này để về nhà. “Trong quy hoạch cư dân chúng tôi được biết đây là con đường rộng 40m, nối thông khu chung cư EcoLife Tây Hồ với trục Nguyễn Văn Huyên-Võ Chí Công. Tuy nhiên, khi tới nhận bàn giao nhà, chúng tôi phải đi trên con đường cũ, tạm bợ bên cạnh con mương khá lớn nhưng không có rào chắn. Ban đêm, con đường này không có đèn chiếu sáng, nhiều ổ gà, ổ trâu, rất nguy hiểm cho cư dân cũng như mọi người khi lưu thông trên đường. Chưa kể, xe của các công trình trong khu vực này ra vào liên tục, chở đất đá, cát sỏi, đoạn đường không dài nhưng đi trên đó ai cũng giật mình thon thót”, anh Bình nói.

Quả thật, đứng quan sát con đường chừng mươi phút, chúng tôi đếm được 3-4 chiếc xe ben chở đất cát chạy trên đường. Mặt đường nhỏ, một bên là mương, một bên là đất lầy lội, bụi mù, nếu tránh không khéo thì nguy cơ xe máy hay ôtô nhỏ phi xuống mương hoàn toàn có thể xảy ra.

Dự án EcoLife Tây Hồ: Cư dân mong một

Đường vào dự án EcoLife Tây Hồ.

Chính bởi “con đường đau khổ” này mà gần đây chủ đầu tư EcoLife Tây Hồ liên tiếp bị cư dân bức xúc chất vấn, kiến nghị có phương án giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Capital House cho biết đã liên tục kiến nghị và đề xuất Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo UBND TP.Hà Nội sớm triển khai hoàn thiện con đường này nhằm kết nối hạ tầng các dự án trong đó có EcoLife Tây Hồ, đảm bảo an toàn cho cư dân khi lưu thông song gần hai năm trôi qua kể từ khi dự án thi công tới khi hoàn công và bàn giao cho người mua, con đường vẫn “dậm chân tại chỗ”.

“Chủ đầu tư chúng tôi không thể can thiệp vào tiến độ dự án làm con đường nói trên’, đại diện Capital House khẳng định.

Chậm trễ do đâu?

Cần sớm hướng dẫn khi chuyển nhượng căn hộ tại Ecolife Tây Hồ:

Dự án Ecolife Tây Hồ  được đầu tư bởi VKSND Tối cao và Capital House. Phản ảnh với báo chí, một số khách hàng mua lại căn hộ của cán bộ VKSND Tối cao cho biết khi làm xong thủ tục sang tên đổi chủ đã không được chủ đầu tư xác nhận để hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước và công chứng giấy tờ.

Về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư khẳng định: luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cư dân song đây cũng là vấn đề nằm ngoài khả năng quyết của chủ đầu tư. Capital House đã có nhiều văn bản gửi UBND TP.Hà Nội, VKSND Tối cao , Sở Xây dựng TP.Hà Nội, đề nghị sớm có hướng dẫn về việc chuyển nhượng các căn hộ tại dự án Ecolife Tây Hồ.

Song tới nay ngoài văn bản của VKSND Tối cao đồng ý cho cán bộ của Viện được chuyển nhượng căn hộ, hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội về vấn đề chuyển nhượng, vẫn chưa có văn bản pháp lý cuối cùng để chủ đầu tư và cư dân căn cứ theo đó thực hiện. “Chúng tôi vẫn đang nỗ lực kiến nghị và đồng hành cùng cư dân để giải quyết, xử lý những vướng mắc xung quanh vấn đề này”, đại diện Capital House cam kết.

Ông Lê Tiến (Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho biết, theo quy hoạch dự án EcoLife Tây Hồ có 2 đường vào: tuyến đường số 1 là Nguyễn Văn Huyên kéo dài và tuyến đường A1 của tuyến khung của dự án Starlake Tây Hồ Tây. Trên hai tuyến đường này, ngoài EcoLife Tây Hồ còn 3 dự ánkhác gồm: hợp phần khu tái định cư Xuân La 2, dự án nhà ở c44, C51của Bộ Quốc phòng. Trong đó, có 2 dự án đã đi vào hoành thành là EcoLife Tây Hồ và dự án của Bộ Quốc phòng song cả hai dự án đều đang vướng mắc về đồng bộ hạ tầng.

“Chính quyền địa phương chúng tôi đã nắm bắt được nguyện vọng của cư dân các dự án và nhận trách nhiệm về sự chậm trễ của con đường. Hiện có 2 cái vướng là về giải phóng mặt bằng: từ 1/7/2014 trở về trước, triển khai theo Luật Đất đai 2013 sửa đổi bổ sung, từ 1/7/2014 lại phải theo luật 2013, Nghị định 43, 47 và tới đây 3/3/2017 theo Nghị định 01 điều chỉnh bổ sung 43, 47. Chính sách đền bù của nhà nước thay đổi theo hướng giảm đi nên sự đồng thuận của nhân dân chưa cao”, ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Tiến, trước bức xúc của cư dân và kiến nghị của các chủ đầu tư, mới đây thành phố đã có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ làm con đường này. Theo đó, đường A1 phía trước dự án EcoLife Tây Hồ thông từ Nguyễn Văn Huyên kéo dài lên tuyến mương gọi là a1.1 còn từ mương lên đường Võ Chí Công là a1.2. Trong kế hoạch thành phố yêu cầu tháng 6/2017 hoàn thành giải phóng mặt bằng xong và tháng 9 xong một tuyến để cư dân có đường về nhà.

“Chúng tôi đang phối hợp với chi nhánh phát triển quỹ đất đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và yêu cầu giải phóng mặt bằng đến đâu thi công tới đó, đảm bảo tới tháng 9 có 2 làn đường, trong đó ít nhất có 1 làn để cư dân sử dụng và 1 làn xe công trường vận chuyển vật liệu xây dựng các dự án còn lại, có như vậy mới đảm bảo an toàn cho cư dân khi lưu thông”, ông Tiến nhấn mạnh.

Dự án EcoLife Tây Hồ: Cư dân mong một

Con đường thường xuyên xuất hiện xe tải chở vật liệu xây dựng.