Dự đoán về thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á năm 2023: chiến lược online và offline được xác định rõ ràng

Linh Phương

Những nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn tận dụng các chương trình quảng cáo và đăng ký để tăng cường doanh thu trong thời gian tới.

Theo báo cáo “Nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á” thực hiện bởi Momentum Works, các nước Đông Nam Á chi 16,3 tỷ USD cho dịch vụ giao đồ ăn, với sự tăng trưởng nhờ hoàn toàn vào các thị trường giao hàng nhỏ hơn là Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Việc sáp nhập và rút khỏi ngành có thể sắp xảy ra khi các công ty giao đồ ăn cắt giảm chi phí và hướng tới lợi nhuận. Thực tế, các thương vụ M&A mảng Food đã manh nha từ năm 2017 với thương vụ công ty mẹ Shopee - SEA - mua lại Foody tại thị trường Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực giao đồ ăn - Food Delivery sôi động từ trước năm 2014 với những tên tuổi như Baemin ở Hàn Quốc, Delivery Hero ở Đức...

Việt Nam cũng ghi nhận hai tên tuổi nổi bật thời điểm đó là Now của Foody và Foodpanda (thương hiệu của Delivery Hero). Tuy nhiên, Foodpanda sau đó đã rút lui khỏi thị trường Việt Nam và Indonesia vào năm 2015.

Thị trường Food Delivery từ năm 2014 đến nay. Nguồn: Momentum Works.
Thị trường Food Delivery từ năm 2014 đến nay. Nguồn: Momentum Works.

Sau sự thoái lui của Uber, thị trường Food Delivery tại Đông Nam Á chứng kiến sự bành trướng của Grab vào năm 2018.

2021 là một năm sôi động khi Now tái định vị thương hiệu thành ShopeeFood tại Việt Nam, đồng thời gia tăng sự nhận diện của thương hiệu ShopeeFood tại các thị trường Indonesia, Myanmar, Thái Lan. Năm 2021 còn ghi nhận cuộc IPO hoành tráng của Zomato và Grab. Tuy nhiên dường như Grab đã không mấy gặp may với lần IPO này.

Foodpanda mua lại TabSquare tại Singapore, còn hãng hàng không AirAsia mua lại mảng Food của Gojek tại Thái Lan. Cùng với đó, Deliveroo ngậm ngùi rút lui khỏi thị trường Tây Ban Nha.

“Tình hình cạnh tranh trở nên im ắng hơn vào năm 2022 so với năm 2021. Những công ty mới tham gia như Shopee và AirAsia đã quay trở lại tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của họ, trong khi công ty hiện tại áp dụng chiến lược mở rộng thận trọng hơn nhiều”, ông Jianggan Li - Giám đốc điều hành kiêm Founder Momentum Works nhận định.

3 xu hướng chính của thị trường giao đồ ăn năm 2023

Báo cáo của Momentum Works chỉ ra 3 xu hướng chính của ngành trong khu vực trong thời gian tới.

Đầu tiên đó là nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn sẽ củng cố quá trình số hóa ngành F&B còn đang phân mảnh. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn đã tham gia vào quan hệ đối tác chiến lược hoặc mua lại nhà cung cấp giải pháp quản lý nhà hàng và điểm bán hàng vào năm 2022.

Những động thái này dự kiến sẽ tăng cường khả năng giữ chân người bán và cho phép nhà cung cấp mang đến dịch vụ khác biệt nhiều hơn, tốt hơn cho người bán bằng cách khai thác dữ liệu bán hàng online và offline. 

Tiếp đến, những nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn tận dụng các chương trình quảng cáo và đăng ký để tăng cường doanh thu.

Nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn lớn bắt đầu xây dựng các sản phẩm quảng cáo để thu hút nhiều khoản đầu tư của người bán hơn. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ cũng đang thử nghiệm chương trình đăng ký hội viên như một công cụ để cải thiện khả năng giữ chân người tiêu dùng và khuyến khích đặt hàng với giá trị lớn hơn. 

Thứ ba, các chiến lược online và offline được xác định rõ ràng hơn khi người bán phân biệt các kênh bán hàng.

Giao đồ ăn tiếp tục chiếm một phần đáng kể trong tổng doanh số bán hàng của người bán, ngay cả sau khi hoạt động ăn uống trở lại. Do đó, người bán đang tạo ra các dịch vụ và khuyến mãi khác biệt hơn cho dịch vụ ăn tại chỗ và giao đồ ăn để giảm tình trạng quá tải, đồng thời tối đa hóa doanh số bán hàng cho cả hai kênh.

Tương tự, những nhà cung cấp dịch vụ giao hàng cũng đang mở rộng sang không gian offline thông qua tính năng như phiếu giảm giá khi ăn tại chỗ, đánh giá nhà hàng...

Tin Cùng Chuyên Mục