Được định giá trên 1 tỷ USD, VNPay chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam

VNPay là cái tên mới nhất gia nhập nhóm 12 kỳ lân công nghệ trong khu vực Đông Nam Á sau khi được hai quỹ Softbak và GIC đổ tiền đầu tư.

Theo báo cáo Kinh tế số e-economy SEA 2020, bất chấp tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á vẫn diễn ra sôi động và có bước phát triển mạnh mẽ. Điển hình là việc nhóm kỳ lân công nghệ trong khu vực đã tăng lên con số 12 với một cái tên mới đến từ Việt Nam.

Báo cáo chỉ ra VNPay đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam sau công ty Vinagame (VNG). Trước đó, nền tảng này đã gọi vốn thành công từ Quỹ Tầm nhìn Softbank của tỷ phú Masayoshi Son và quỹ đầu tư GIC của Singapore, và nhanh chóng góp mặt vào nhóm các kỳ lân với mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

VNPay được thành lập từ tháng 3/2007, là công ty con thuộc Tập đoàn VNLife. Đây là công ty tiên phong trong lĩnh vực thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam với chức năng hỗ trợ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại và mua sắm trực tuyến. Chỉ riêng việc bắt tay với các ngân hàng tạo ra hệ thống thanh toán QR, số lượng người dùng hàng tháng của ứng dụng này qua kênh hợp tác trên đã lên tới 15 triệu người.

VNPay đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam sau công ty Vinagame.
VNPay đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam sau công ty Vinagame.

Trước VNPay, công ty VNG trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam sau khi được tổ chức World Startup Report định giá trên 1 tỷ USD vào năm 2014. VNG tập trung phát triển nhiều lĩnh vực như Internet, game, nội dung số và giải trí trực tuyến. Đến năm 2019, giá trị doanh nghiệp của VNG đã tăng hơn 50% và được định giá từ 1,5-1,7 tỷ USD.

Trong nhóm 12 startup công nghệ của khu vực Đông Nam Á, VNPay và VNG được xếp cạnh nhiều tên tuổi lớn như Grab, Gojek, Lazada, Sea Group, Traveloka. Hiện trong nhóm này chỉ có Grab và Gojek được gọi là “siêu kỳ lân” với định giá trên 10 tỷ USD.

Theo báo cáo của SEA, các công ty này đang được hưởng lợi lớn do nhu cầu mua sắm, giải trí trực tuyến của người dùng tăng mạnh trong thời điểm dịch bệnh. Hiện Việt Nam, Indonesia, Malaysia Singapore và Phillipines đã đóng góp thêm 40 triệu người dùng mới, nâng tổng số người sử dụng dịch vụ trực tuyến tại Đông Nam Á lên 400 triệu người, chiếm 70% dân số.

Tin Cùng Chuyên Mục