Được hỏi nên lãnh đạo theo "pháp trị" hay "nhân trị", Shark Việt thẳng thắn: Phải đặt ra luật chơi trước!

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Có kinh nghiệm làm việc ở cả môi trường "nhà nước" lẫn doanh nghiệp tư nhân, Shark Nguyễn Thanh Việt cho rằng luôn cần duy trì "luật" trong văn hoá công ty.

Tham dự buổi hội thảo có chủ đề "Văn hoá Doanh nghiệp", Shark Nguyễn Thanh Việt đã có cơ hội bày tỏ quan điểm xoay quanh chủ đề được rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm.

Cụ thể, câu hỏi của một doanh nhân nêu ra đã phản ánh phần nào khó khăn trong việc quản trị, quản lý nhân sự, nhất là trong hoàn cảnh công ty đang phát triển. Nêu ra ví dụ về hai "ông lớn" Vingroup mạnh nhờ "pháp trị", FPT lại thiên hướng "nhân trị", người này cho biết:

"Vingroup có cách pháp trị rất nghiêm khắc, trong khi FPT lại biết sử dụng nhân trị rất tốt. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi, ban đầu nhân trị vô cùng hiệu quả. Nhưng khi công ty ngày càng lớn lên, việc áp dụng nhân trị trở nên khó khăn, tạo sức ì cho nhân viên. Vậy nên áp dụng phương pháp gì cho phù hợp?". 

Có kinh nghiệm làm việc ở cả môi trường "nhà nước" lẫn doanh nghiệp tư nhân, Shark Nguyễn Thanh Việt cho rằng luôn cần duy trì hai từ "kỷ luật" trong văn hoá công ty:

Được hỏi nên lãnh đạo theo

"Cầu thủ đá bóng giỏi của thế giới là người đá tốt cả hai chân. Văn hóa doanh nghiệp, quản trị cũng vậy. Còn tôi quan điểm, cái gì cũng phải có luật chơi. Cho dù là bạn bè chứ chưa phải công ty, đều phải có luật giữa tôi với anh, bình đẳng hay không bình đẳng. Cho nên, công ty nhất định phải có luật".

Tuy nhiên, vẫn phải đặt kỷ luật lên hàng đầu: "Đá bóng phải đá hai chân. Nhưng chân đầu tiên, phải đặt ra luật chơi trước. Chân thứ hai mới là đặt tình người ở trong tâm của mình. Không thể vì tình mà bỏ lý đi được. Điều để quyết định sự công bằng nhất vẫn là lý, tình đi sau lý một chút. Nhưng có tình ở trong tâm thì mình sẽ làm được nhiều việc và được lòng người."

Ông kể lại một câu chuyện mình rất tâm đắc, qua đó chứng tỏ người lãnh đạo cần đặt cái "uy" lên đầu:

"Trên tất cả mọi thứ, con người là loài động vật nhiều cảm xúc nhất. Giống như dây cung, căng quá thì đứt, trùng quá lại không có lực bắn. Tôi xin kể lại mẩu chuyện ngắn thế này.

Một vị tướng dẫn quân đi đánh giặc nhưng không may hôm ấy thua trận, bị kẻ địch đến đánh đuổi. Đúng lúc ấy, một anh lính đằng sau bất ngờ lao đến, dùng thân che cho người chỉ huy.

Vị tướng hỏi: 'Tại sao mọi người bỏ chạy hết mà anh lại không làm như vậy?'

Người lính giơ bàn tay có ngón bị cụt: 'Tôi đã mất một ngón tay. Ngày xưa ông chính là người phạt và chặt đứt tay của tôi.'

Vị tướng càng ngạc nhiên: 'Ta trừng phạt, chặt đứt tay của ngươi, lẽ ra ngươi phải giết chứ sao lại cứu ta?'

'Bởi vì khi xử tôi, tôi thấy trong ánh mắt của ông có nỗi buồn', người lính trả lời.

Shark Việt kết luận: "Người làm tướng, khi xử quân của mình không hề vui vẻ gì. Nhưng Khổng Minh vẫn phải gạt lệ chém Mã Tốc bình thường."

Quan điểm của Chủ tịch Intracom có nhiều điểm tương đồng với cựu CEO Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài. Thời điểm năm 2004 khi bắt đầu xây dựng chuỗi TGDĐ, ông Tài cùng các cộng sự ưa thích sử dụng "pháp trị" để lãnh đạo nhân viên. Phong cách này đi kèm với rất nhiều luật lệ, thưởng phạt, quy trình, hướng dẫn nội quy, ép nhân viên vào quy củ của doanh nghiệp. 

Nhưng rồi, cách làm trên bộc lộ nhiều hạn chế. Năm 2009, TGDĐ đang trên đà phát triển, cũng là lúc họ chuyển sang chế độ mới: "nhân trị", bởi lẽ: "Chúng tôi cần phải quản trị doanh nghiệp này bằng cái nhân, cái đức… Khi bạn muốn làm cái gì rất lớn lao thì nhân trị có cơ hội phát huy vai trò của nó”.

Dù vậy, ông Tài nhấn mạnh không có công thức nào đúng 100%, mà hoàn toàn phải dựa vào cái tài của người giữ vai trò đầu tàu.

Tin Cùng Chuyên Mục